Hội nghị quy tụ các diễn giả từ cơ quan quản lý du lịch các quốc gia thành viên UN Tourism, các làng thuộc mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism, các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Điều phối du lịch Mekong (MTCO), các chuyên gia du lịch từ khu vực tư nhân (BBC Travel Show, Fliggy, JTB, Intrepid, Planeterra, Rustic Hospitality, Traveloka…), các học giả và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch nông thôn.
Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; Thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.

Phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng: “Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững. Hiện nay có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh,…Trong đó du lịch nông thôn ngày càng phổ biến và phát triển”.
Phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tôn vinh, bảo tồn và phát triển lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. “Đặc biệt tổ chức UN Tourism đã triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển của nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 nhu cầu phát triển bền vững là kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển và tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam, với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là "phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương".
Nhiều địa phương của Việt Nam đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn, như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên... Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Đặc biệt, các làng Tân Hóa (Quảng Bình), Thái Hải (Thái Nguyên), làng rau Trà Quế (Quảng Nam) được UN Tourism vinh danh là Làng Du lịch tốt nhất.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.
Phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn. Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn.

Du lịch giúp thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn
Trước đó, chia sẻ tại phiên khai mạc buổi sáng của Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong bày tỏ niềm vui và tự hào khi Việt Nam là đất nước vinh dự đăng cai, đồng hành với UN Tourism tổ chức Hội nghị với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn. Hội nghị thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, khu vực nông thôn sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị, đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những làng quê mộc mạc yên bình giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn; có khả năng thu hút khách du lịch, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam; thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.
Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Hồ An Phong chia sẻ, thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống”, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.
PV