Trong sự kiện ra mắt cuốn sách 'Quản trị Xám' cuối tuần qua, TS. Lê Tân chia sẻ rằng việc tham gia tư vấn, giảng dạy về hoạt động quản trị doanh nghiệp nói chung và quản trị nhân sự trong các tổ chức đã giúp ông có thêm nhiều tri thức cả lý luận và thực tiễn. Thông qua đó, ông đã bắt đầu hình thành nên các lý thuyết quản trị mới ở Việt Nam đã được công bố trong các giáo trình và sách chuyên khảo, các bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước trước đây.
TS Lê Tân và các cộng sự trong buổi ra mắt cuốn sách “Quản trị Xám” diễn ra ngày 28/9 vừa qua
“Tôi có một thạm vọng lớn là sẽ công bố một hệ lý thuyết mới về quản trị doanh nghiệp hiện đại trong quá trình chuyển đổi, mà ở đó, thực sự có những ý niệm, cách đánh giá mới đối với những vấn đề cũ, truyền thống mà các nhà quản trị đã mặc định không thể thay đổi. Tôi nhận thấy một điều rằng, chẳng có nguyên lý nào nhất thành bất biến, mọi thứ đều có thể biến đổi mà chủ yếu dựa vào góc nhìn của nhà quản trị. Ý niệm tạo ra góc nhìn, góc nhìn tạo ra đánh giá và từ đó ảnh hưởng đến việc nhà quản trị ra quyết định sử dụng nguồn lực của họ như thế nào. Đó là lý do cuốn sách Quản trị Xám ra đời”, TS Lê Tân cho biết.
Đây là cuốn sách viết mà chủ yếu hướng đến độc giả là doanh nhân, những người với trình độ chuyên môn rất cao nhưng thường không sẵn sàng tiếp nhận các vấn đề lý thuyết nặng tính hàn lâm trong trình bày và luận giải. Chính vì vậy, các chương, mục, tiểu mục, hành văn đều được trình bày không nặng nề về quy cách hình thức; diễn đạt phóng khoáng, bình dị và dễ hiểu theo lối kể chuyện, sẻ chia; không thực hiện triệt để các quy chuẩn về trích dẫn, phân tích một cách quy lát như các công trình khoa học thông thường.
“Quản trị Xám” đề xuất một phương pháp tiếp cận quản trị hiện đại, nơi sự thay đổi tư duy, khả năng thích nghi và sự linh hoạt trong quản lý là chìa khóa để đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội mới.
“Quản trị Xám” của TS Lê Tân gồm 10 chương với những nội dung đa dạng, thu hút và mang tính thực tiễn cao.
Chương 1 là chương bàn về các vấn đề lý thuyết. Trong chương này, nhóm tác giả trình bày về 3 nội dung chính: Bàn về lịch sử ra đời và các lý thuyết quản trị; Các tiền đề ra đời Lý thuyết “Quản trị Xám”; Viết về lý thuyết mới: Lý thuyết “Quản trị Xám” và một số ứng dụng của lý thuyết này vào trong thực tiễn quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Chương 2 bàn về một vấn đề căn bản của quản trị đó là quyền lực lãnh đạo - phong cách và bản chất của quyền lực lãnh đạo doanh nghiệp chuyển đổi. Qua chương này, dưới góc nhìn của “Quản trị Xám”, có thể đưa ra được các kiến giải mới về các vấn đề đã cũ và hi vọng qua đó, sẽ có thể có được những giải pháp phù hợp, thích ứng với việc quản trị tổ chức trong giai đoạn hiện nay.
Chương 3 sẽ tiếp tục nhận diện những “vùng Xám” mới trong hoạt động quản trị. Nếu như chương 1 trình bày các vấn đề cơ bản về Lý thuyết “Quản trị Xám”, chương 2 trình bày một trong những vấn đề căn bản, nền tảng của quản trị tổ chức đó là quyền lực lãnh đạo thì ở chương 3 tiếp theo đây sẽ trình bày về một vấn đề chi tiết hơn trong nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý đó chính là đãi ngộ nhân sự. Từ chương 3, các vấn đề được trình bày đều là các nội dung chi tiết của hoạt động quản trị.
Chương 4 nghiên cứu về Quản trị “Nhóm Đầm lầy” trong doanh nghiệp - một lý thuyết quan trọng xác định sự tồn tại của các nhóm nhân sự khác nhau trong tổ chức và nhấn mạnh rằng mỗi nhóm đều có những đặc điểm và mức độ ảnh hưởng riêng biệt. Trước bối cảnh nhiều biến động và thay đổi hiện nay, Lý thuyết “Quản trị Xám” có thể được nghiên cứu và áp dụng để có thể có thêm một cách tiếp cận và xử lý vấn đề cho hoạt động quản trị “Nhóm Đầm lầy”.
“Cân bằng nguồn lực trong quá trình chuyển đổi tổ chức” là nội dung của chương 5, một nội dung không mới đó là việc quản trị nguồn lực trong tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề này được nhìn nhận, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản trị dựa vào cách tiếp cận của Lý thuyết “Quản trị Xám”. Những nội dung về vai trò của các nguồn lực trong tổ chức và sự thay thế/cân bằng các nguồn lực trong quá trình chuyển đổi tổ chức có vị trí quan trọng đến mức độ nào đã được bàn luận tại chương này.
Chương 6 – “Công nghệ có phải là phép màu” sẽ cung cấp một cái nhìn đa diện về vai trò của công nghệ trong kinh doanh hiện đại, từ những đóng góp không thể phủ nhận đến những giới hạn và rủi ro tiềm ẩn. Qua đó, mục tiêu là khám phá liệu công nghệ có thực sự là chìa khóa vạn năng cho sự phát triển bền vững hay chỉ là một công cụ hỗ trợ trong một chiến lược quản trị tổ chức trong tình hình mới.
Lý thuyết “Quản trị Xám” mở ra một hướng đi mới trong quản trị doanh nghiệp, nơi mà cạnh tranh không còn là mục tiêu chính
Một trong những điểm sáng nổi bật của chương 7 là sự phát triển và áp dụng mô hình One Stop Service (OSS), một mô hình quản trị tiên tiến phản ánh sự chuyển đổi từ cạnh tranh trực tiếp sang hợp tác và kiến tạo giá trị mới. OSS không chỉ đơn thuần là một hệ thống dịch vụ toàn diện, mà còn là biểu hiện của một triết lý quản trị mới, nơi mà doanh nghiệp không còn bị ràng buộc bởi những giới hạn của cạnh tranh truyền thống. Thay vào đó, OSS tạo ra một không gian mới, nơi mà các tổ chức có thể cùng nhau phát triển thông qua sự cộng hưởng và hợp tác chiến lược.
Trong khi chương 8 bàn về nội dung “Thương hiệu và Nhân hiệu” thì chương 9 chia sẻ một trong những nội dung mới nhất trong Lý thuyết “Quản trị Xám”: Quản trị Gen Z - Hệ giá trị bất tương xứng.
Tại chương cuối cùng, “Quản trị Xám” bàn về việc áp dụng tư duy đổi mới, thích ứng của nhà quản trị vào quản trị tổ chức và nhân sự trong chuyển đổi: Uber nhân sự - Kiến tạo một ý niệm, thay đổi vạn hành vi.
Việc TS Lê Tân công bố lý thuyết Quản trị Xám khẳng định rằng, Việt Nam cũng có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị, không ngừng nghiên cứu và đưa ra các lý thuyết đột phá, có giá trị thực tiễn cao. Lý thuyết Quản trị Xám không chỉ mở ra một hướng đi mới cho các nhà quản trị, mà còn giúp tổ chức của họ vượt qua những thách thức trong bối cảnh hiện đại.