Sản phẩm ô mai Vạn Xuân. |
Biểu tượng ẩm thực của Hà thành
Câu chuyện về ô mai Vạn Xuân bắt đầu từ gần một thế kỷ trước, khi ông nội của chị Nguyễn Thị Lệ (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), người chủ hiện tại của thương hiệu, bắt đầu làm ô mai tại nhà và đội thúng đi bộ lên trung tâm Thủ đô giao hàng cho khách. Những quả ô mai với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt đã nhanh chóng chinh phục khẩu vị của người Hà Nội.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm ô mai, chị Lệ đã chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn của ông nội và bố mình. Có lẽ vì thế, khi trưởng thành, chị đã không chọn nối nghiệp gia đình mà quyết định theo đuổi một công việc khác nhàn nhã hơn. Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng như ý muốn. Sau những biến cố trong hôn nhân, Nguyễn Thị Lệ trở về bên gia đình, nơi có những quả ô mai thân thuộc đã gắn bó với tuổi thơ.
“Trong những ngày tháng khó khăn đó, chính những vị chua, cay, mặn, ngọt của ô mai đã giúp tôi tìm lại bình yên trong tâm hồn. Tôi nhận ra rằng, ô mai không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Và rồi, tôi quyết định nối nghiệp gia đình, tiếp tục gìn giữ và phát triển thương hiệu ô mai Vạn Xuân”, chị Lệ trải lòng về những ngày đầu khởi nghiệp với nghề truyền thống.
Với tâm huyết và tình yêu dành cho ô mai, gia đình chị Lệ đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, kết hợp những công thức truyền thống với những phương pháp chế biến hiện đại để tạo ra những sản phẩm ô mai chất lượng, độc đáo. Mỗi quả ô mai Vạn Xuân đều mang trong mình hương vị đặc trưng của Hà Nội, kết tinh từ kinh nghiệm và bí quyết của năm thế hệ gia đình chị Lệ.
Chủ thương hiệu ô mai Vạn Xuân chia sẻ: ‘sản xuất ô mai nguyên liệu tốt luôn là yếu tố hàng đầu, nguyên liệu mà không đạt coi như bỏ. Sau đó cần phải pha chế, sấy đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ’.
Để làm ra ô mai người ta dùng nguyên liệu chính là các loại trái cây đặc trưng của các vùng miền trong cả nước như: mơ, mận, me, xoài, sấu... Nhưng, để có màu sắc và hương vị đặc trưng mang thương hiệu của riêng mình, mỗi cơ sở chế biến sản xuất đều có những công thức, bí truyền "độc chiêu". Từ chọn, phân loại trái cây, ngâm, ủ muối, ngào đường, pha hương liệu..., đều do ông bà, bố mẹ truyền dạy.
“Nhà tôi rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu, sấu được thu mua ở các xã quanh huyện Thanh Oai để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch mà cũng giúp bà con có thêm nguồn thu nhập. Với quả mơ, nhà tôi chỉ mua ở hai vùng, mơ chùa Hương và mơ Bắc Kạn. Mơ chùa Hương nổi tiếng thơm ngon, nhiều thịt. Còn mơ Bắc Kạn hạt nó rất là nhỏ”, Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.
Chính sự khắt khe đó đã tạo ra sản phẩm ô mai Vạn Xuân có màu sắc và hương vị đặc trưng mang đậm phong cách riêng, mang trong mình những bí quyết mang tính gia truyền từ lâu đời. Ô mai Vạn Xuân được nhiều người ưa chuộng bởi những vị chua, cay, mặn, ngọt không trộn lẫn vào đâu được, chỉ cần thưởng thức một lần thôi đều muốn ăn nữa, đều không thể nào quên được hương vị đậm đà ấy.
Sẽ thay “áo mới” cho sản phẩm ô mai truyền thống
Bà chủ ô mai Vạn Xuân (áo cam) giới thiệu sản phẩm ô mai với khách hàng. |
Ngày nay, ô mai Vạn Xuân đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Năm 2022, mười sản phẩm ô mai của Hộ kinh doanh Vạn Xuân đã được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đó là các sản phẩm: Mứt hồng bì chua ngọt đặc biệt, Mận xào gừng không hạt chua ngọt, Mận tươi xào gừng, Mận tươi xào gừng chua ngọt, Mận hậu dẻo chua ngọt, Mơ gừng chua ngọt, Mơ dẻo không hạt, Mơ chua ngọt đặc biệt, Mơ chua mặn ngọt, Mơ chua cay mặn ngọt.
Chị Lệ cho biết: “Vị ô mai Vạn Xuân rất đặc trưng không giống với bất cứ loại ô mai khác. Nguyên liệu được chọn lựa cẩn thận, chế biến theo phương pháp thủ công chứ không phải làm công nghiệp. Chính vì vậy mà thu hút rất nhiều thực khách tựu về để chọn mua cho mình những loại ô mai phù hợp nhất”.
Rất tâm đắc với thương hiệu ô mai Vạn Xuân , nhưng chị Lệ cho biết sắp tới dù không muốn vẫn phải “thay áo mới” cho sản phẩm ô mai nhà mình bởi lẽ không bảo vệ được tên thương hiệu cũ.
Bà chủ ô mai gia truyền, chia sẻ dự định lấy tên “Bách Xuân” để tiếp tục xây dựng thương hiệu ô mai truyền thống gia đình, bởi chữ Bách có nghĩa đến hàng trăm năm tượng trưng cho ô mai truyền thống gia đình đến bây giờ cũng được gọi là hàng trăm năm rồi. Chữ xuân còn mang cái ý nghĩa là mùa Xuân tương tự như tên gọi cũ.
“Tôi đang ấp ủ nhiều dự định lớn cho thương hiệu ô mai gia truyền nhà mình. Thời gian tới sẽ đưa sản phẩm vào nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị, điểm giới thiệu trưng bày sản phẩm ocop. Đồng thời mở rộng cửa hàng ra các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước”, Lệ chia sẻ về kế hoạch phát triển thời gian tới.
Tin rằng, với việc đặt chữ “Tâm” trong từng sản phẩm thì dù với tên ô mai Vạn Xuân hay Bách Xuân, sản phẩm của bà chủ Nguễn Thị Lệ vẫn được các vị khách trên khắp mọi miền Tổ quốc tin dùng.