Miền Tây Thanh Hóa gồm các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành là nơi sinh sống và phát triển của 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú cư trú. Đây vẫn là vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong nhiều năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hạng mục, công trình để nâng cao đời sống cho bà con các DTTS.
Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Quyết định 4620/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, trong đó, có bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng và cửa khẩu ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy. Trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn các huyện miền núi kể trên đã và đang giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm, là sản phẩm nổi trội trong các sản phẩm được khách du lịch được du khách lựa chọ khi về du lịch Miền Tây Thanh Hóa.
Được biết, cách đây 10, 15 năm về trước các nghề, làng nghề truyền thống vùng DTTS của tỉnh Thanh Hóa vẫn ở tình trạng manh mún, tự phát, chưa có quy hoạch và định hướng phát triển, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường; trình độ tay nghề của người lao động chưa được chú trọng đào tạo; sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do không có thị trường; năng suất lao động thấp; thu nhập trong các nghề, làng nghề còn hạn chế nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế và người dân tham gia. Mặt khác, do kinh tế thị trường cùng với công nghiệp phát triển nên một số nghề truyền thống của vùng DTTS đang dần bị mai một.
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, nhằm bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng DTTS, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nguồn lực để phát triển nghề, làng nghề, đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển một số nghề, làng nghề truyền thống dưới dạng Tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình. Trong đó, có một số sản phẩm từ lâu đã trở thành vật dụng quý trong một số gia đình ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thì nay đã trở thành hàng hóa bán ra thị trường, như: các sản phẩm từ mây, tre đan và đan cót; dệt thổ cẩm, thêu ren; nghề nấu rượu siêu men lá, ủ rượu cần; nghề rèn của bà con dân tộc Mông... Qua đó, đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS trong những lúc nông nhàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống hiện đang gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững. Chủ yếu là do trên địa bàn huyện hiện chưa có các mô hình làng nghề "khép kín” để tạo thành chuỗi giá trị và khai thác sự đa dạng về hoa văn để tạo nên những sản phẩm truyền thống độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhất là thiếu hụt “bản sắc” của sản phẩm thổ cẩm dẫn đến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Bởi vậy, theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, để nghề này phát triển mạnh, cần hơn hết là phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống với bạn bè, du khách, mà còn phải tạo điều kiện cho người tham gia làm nghề được học hỏi, giao lưu với nghề dệt thổ cẩm của các tỉnh khác nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo...để sản phẩm thổ cẩm trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, món hàng được du khách lựa chon khi du lịch xứ Thanh.
PV