Cụ thể, tổng số 96 bếp ăn tập thể đã được kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gồm: 60 bếp ăn trong Khu công nghiệp; 36 bếp ăn ở các cụm công nghiệp; 30 cơ sở cung cấp thực phẩm.
Theo kết quả kiểm tra giám sát, tình trạng vi phạm đã giảm so với những năm gần đây, song vẫn còn. Cụ thể, về hồ sơ pháp lý thủ tục, có 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước, còn 8 bếp ăn tập thể chưa đúng quy định.
Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định; còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định.
Về bố chí khu vực chế biến, có 51/60 cơ sở (chiếm 85,5%) đã bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín, phù hợp với công năng phục vụ. 15% số bếp ăn tập thể còn lại chưa đạt, một số bếp tường, nền bong tróc, vỡ, ẩm mốc.. Hay về trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng, qua kiểm tra vẫn còn 3/60 cơ sở không đạt (tỷ lệ 5%).
Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); tức còn 13,5% số mẫu không đạt. Lấy mẫu xét nghiệm tại Labo 110 mẫu, kết quả có 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).
Cũng qua kiểm tra truy xuất nguồn gốc tại 29 nhà cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, vẫn còn một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt...
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây, Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của quận Nam Từ Liêm cũng đã tham gia và tổ chức tập huấn về ATTP, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm đến từng người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, từng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, cơ quan xí nghiệp...
Ngoài ra, tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu thực phẩm tại các chợ dân sinh trên địa bàn để kiểm soát, đánh giá tồn dư hóa chất trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trong sản phẩm thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục duy trì các mô hình, đề án kiểm soát ATTP trên địa bàn, như:
Mô hình 1: Duy trì và hoàn thiện mô hình "Tuyến phố có kiểm soát về an toàn thực phẩm tại đường Hàm Nghi – phường Cầu Diễn và ngõ 67 Phùng Khoang – phường Trung Văn".
Mô hình 2: Duy trì mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm: 10/10 phường đã xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch duy trì mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường.
Mô hình 3: Mô hình an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh: 30/30 cơ sở dịch vụ ăn uống trên tuyến phố văn minh có giấy tờ pháp lý về ATTP theo đúng quy định, được tập huấn quy định pháp luật về ATTP.
Mô hình 4: Triển khai Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025" trên địa bàn.
Mô hình 5: Triển khai Đề án "Quản lý các cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn.
Mô hình 6: Kiểm soát, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (BATT) trường học trên địa bàn quận năm 2023. Trong đó, 100% BATT trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/Ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP;
100% cán bộ lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại trường học được bồi dưỡng kiến thức về ATTP. Trong đó 97,5% có kiến thức, thực hành đúng về ATTP.
100% BATT trường học được kiểm tra theo quy định.
100% nguồn nguyên liệu thực phẩm đưa vào trường học được kiểm soát (có hợp đồng, hóa đơn truy xuất nguồn gốc).
Hải Châu