Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm

BTV2
Trong những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu gạo, nhưng để trở thành thương hiệu mạnh và nói đến gạo là nghĩ ngay đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm.

Ấn tượng xuất khẩu gạo

Việt Nam luôn nằm trong top quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng gạo trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi năm từ 6,5 - 7 triệu tấn; riêng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 8,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá gạo xuất khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023, trong đó Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, giá trung bình 691,5 USD/tấn.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Gạo Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Về thị trường, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, với thị phần chiếm đến 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Đáng chú ý, trong mấy năm trở lại đây gạo Việt còn đạt được thứ hạng cao trong các cuộc thi gạo quốc tế. Đơn cử là gạo ST25 đã được bình chọn là Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức năm 2019 và 2023.

Tuy nhiên, thực tế thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Bởi gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước thường được bán dưới thương hiệu của nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam. Điển hình như tại thị trường Philippines, thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn nhất, nhiều loại gạo khi được xuất khẩu lại được đóng bao bì của quốc gia khác nên khi đến người tiêu thụ cuối cùng, họ không biết đó là gạo Việt Nam.

Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành chia sẻ, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Điều đáng lưu tâm là các nhà nhập khẩu gạo nước này làm nhãn mác gạo sản xuất tại Việt Nam khá mờ nhạt nên phải nhìn kỹ mới thấy. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Nhật Bản xuất khẩu vào Philippines được nhà phân phối nước này ghi thương hiệu “Thai Rice” hoặc “Japanese Rice” rất to và rõ trên bao bì.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc chưa xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt cũng như thương hiệu còn mờ nhạt đã làm giảm giá trị gạo Việt Nam, khiến giá gạo Việt phụ thuộc hoàn toàn vào giá gạo thế giới. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu (sau Ấn Độ và Thái Lan), nhưng giá gạo xuất khẩu lại thấp nhất trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đạt trung bình 481,1 USD/tấn.

Tập trung xây dựng thương hiệu cho gạo Việt

 cần nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần tập trung việc xây dựng thương hiệu.
Cần nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần tập trung việc xây dựng thương hiệu.

Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được nhà nhập khẩu tại thị trường này làm nổi bật so với các nhãn hàng cùng loại của Nhật Bản và Thái Lan. Vì vậy, các dòng chữ ghi xuất xứ in trên bao bì luôn nhỏ hơn và phải thật tinh mắt mới nhận biết được.

Từ thực tế đó, ông Thành khuyến nghị ngoài đẩy mạnh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo, cần nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần tập trung việc xây dựng thương hiệu.

Đồng tình, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia cũng chưa thực sự rõ nét. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam.

Đặc biệt, đảm bảo chất lượng gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế.

Để xây dựng được thương hiệu gạo, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nêu ý kiến, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cùng nông dân phải chung tay tổ chức vùng nguyên liệu, xác định nhóm giống chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có định hướng...

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh muốn giá trị cao, chỉ sự cần cù, chịu thương chịu khó thôi chưa đủ, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là câu chuyện, là khoa học… để bán sản phẩm không chỉ giá trị dinh dưỡng mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là Nhà nước, cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt.

GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng, lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng Musang King ngon nhất thế giới. Trong khi đó với Việt Nam, dù gạo ST25 đã được quốc tế xướng danh ngon nhất nhưng người ngoài ít ai biết giống lúa nào ngon nhất của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân ví dụ với gạo ST25, bản thân ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST25 - cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp...

Bên cạnh đó, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Đây là khó khăn lớn để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam nếu nhà nước không bắt tay mạnh vào việc này. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn.

Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tìm kiếm những đối tác chiến lược qua đó tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế và nâng cao thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân chủ động phối hợp xây dựng liên kết vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, đảm bảo nguồn hàng ổn định, bền vững.

Cùng với đó, chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, phối hợp sát sao với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là nhiệm vụ lớn cần làm
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn