Trí tuệ nhân tạo trở thành giá trị của một nền văn hóa

Admin
(SHTT) - Tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Nguyễn Song Nam - Tổng Giám đốc VLAB Innovation cho hay Trí tuệ nhân tạo giờ đây không còn thuần túy là ngôn ngữ lập trình nữa mà trở thành giá trị của một nền văn hóa.

 Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt Nam với chủ đề “Khát vọng Việt Nam tạo ra vị thế Việt Nam” nhằm mang đến những góc nhìn sâu sắc về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc định hình tương lai của Việt Nam và thế giới. 

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Diễn đàn Toàn cầu Boston giới thiệu về mô hình "Chính phủ xã hội trí tuệ nhân tạo 24/7" - một sáng kiến đặc biệt từ Diễn đàn Toàn cầu Boston nhằm xây dựng chính phủ vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo với sự minh bạch, hiệu quả và liên tục phục vụ người dân. 

Sáng kiến này không chỉ mang tính cách mạng trong cách quản lý nhà nước mà còn đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để tạo lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

tri tue nhan tao dien dan

 

Trong khi đó, TS. Lương Việt Quốc - CEO Công ty Cổ phần Realtime - Robotics Việt Nam trình bày dự án thiết bị bay không người lái Drone Hera do công ty nghiên cứu và phát triển - một sản phẩm AI với ứng dụng tiềm năng vượt trội trong nông nghiệp, quốc phòng và logistics, gồm 3 mảng: vận hành, thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu.

TS. Võ Sỹ Nam - Giám đốc Trung tâm Tin Y Sinh, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (Vingroup) cũng chia sẻ những nghiên cứu và ứng dụng AI của VinBigData, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh. 

Ông Nam cho hay tiềm năng, ứng dụng của AI trong lĩnh vực y sinh tại Việt Nam rất lớn như: quản lý bệnh án điện tử, tối ưu hóa những quy trình chăm sóc bệnh nhân (quản lý nhu cầu giường bệnh, quản lý thuốc, điều phối lịch khám chữa bệnh...); phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán bệnh; phân tích dữ liệu dịch tễ học và dự đoán sự lây lan của dịch bệnh; tối ưu hóa các quy trình sinh học trong nông nghiệp...

Theo ông Nam, cơ sở pháp lý, hạ tầng và nhân lực để triển khai các công nghệ AI hiện nay đều thiếu. “Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi rất nhanh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Nếu không đào tạo tốt, không có những người bắt kịp được thì chúng ta lại tiếp tục ‘lỡ chuyến tàu về AI’. Vì vậy, hy vọng các bạn trẻ có thể bắt kịp tốt hơn”, ông Nam nói. 

Với sinh viên ngành IT, ĐH Bách khoa Hà Nội cung cấp các kiến thức nền tảng về AI như quản lý, xử lý, trực quan hóa dữ liệu và các kiến thức cơ bản về học máy và học sâu.

Chia sẻ về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, Ông Nguyễn Song Nam - Tổng Giám đốc VLAB Innovation cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của nhân loại. Sự xuất hiện của nó đã tác động vào cuộc sống của chúng ta một cách toàn diện và sâu sắc. Do đó, đã đưa đến một đòi hỏi rằng chúng ta cần phải hiểu, nắm bắt để sử dụng nó như một công cụ nhằm khai phá những thành tựu khác lớn lao hơn. Trí tuệ nhân tạo giờ đây không còn thuần túy là ngôn ngữ lập trình nữa mà trở thành giá trị của một nền văn hóa. Trong cuộc chiến trí tuệ nhân tạo, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn trẻ cần trau dồi thêm những kiến thức mang tính chất nền tảng khác, là văn hóa, xã hội, nghệ thuật, triết học và lịch sử... Bởi chỉ có như vậy, các em mới tạo dựng cho mình một vị thế trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt của thời đại công nghệ số”.

PV