VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM là đơn vị thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, chính thức hoạt động từ ngày 22/12/2004. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Văn phòng đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình là “cánh tay nối dài” của Cục Sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, cơ sở giáo dục, các địa phương,… ở khu vực phía Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm thành lập Văn phòng, ông Trần Giang Khuê - Trưởng VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM – cho biết từ khi thành lập tới nay, đội ngũ cán bộ văn phòng các thời kỳ đều tích cực theo dõi, phân tích, tổng hợp tình hình hoạt động sở hữu trí tuệ, đề xuất các biện pháp và chính sách nhằm đẩy mạnh các hoạt động sở hữu trí tuệ tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Bên cạnh đó, Văn phòng cũng thực hiện các hoạt động phối hợp, cộng tác với cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các địa phương, từ đó triển khai các chính sách và các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Theo ông Khuê, tính đến nay, số lượng thủ tục hành chính và đơn đăng ký sở hữu trí tuệ do Văn phòng tiếp nhận, xử lý ngày càng nhiều.
Thống kê cụ thể cho thấy số lượng đơn sở hữu công nghiệp được nộp qua VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM trong 20 năm qua lên tới hàng chục nghìn đơn các loại/năm. Số lượng đơn tăng nhanh, tăng mạnh và tăng nhiều trong từng năm, số lượng tăng trung bình hằng năm từ 10 - 15%, cùng hàng chục nghìn công văn trao đổi, phúc đáp kết quả thẩm định đơn.
Số lượng đơn do Văn phòng tiếp nhận chiếm khoảng 25% - 30% so với đơn nộp vào Cục sở hữu trí tuệ, tương đương trung bình trên 30.000 đơn/năm; cùng hơn 15.000 công văn trao đổi, phúc đáp kết quả thẩm định đơn hằng năm.
Ngoài các hoạt động trên, VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.GCM luôn triển khai thường xuyên việc tư vấn qua hoạt động tư vấn tại chỗ, tư vấn qua điện thoại và email (trung bình mỗi năm, khoảng hơn 35.000 lượt tư vấn, hỗ trợ).
Đây vừa là xu thế chung, vừa là kết quả của hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ pháp lý, góp phần tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và người dân về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - nhìn nhận chặng đường 20 năm qua, VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM đã từng bước khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp và nhà sáng tạo trong 2 hành trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
“Những đóng góp của Văn phòng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp khu vực phía Nam phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ Việt Nam ngày càng tiến xa”, ông Lê Huy Anh chia sẻ.
Ông Lê Huy Anh cũng cho rằng hoạt động sở hữu trí tuệ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, Văn phòng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến để tiếp cận và hỗ trợ nhanh chóng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Văn phòng cần chủ động, sáng tạo nắm bắt tình hình khu vực để báo cáo lãnh đạo Cục, tham mưu đề xuất các nhiệm vụ công việc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các hoạt động tư vấn, hỗ trợ luôn là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp và nhà sáng tạo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng những thách thức mới, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển.
Ông Lê Huy Anh nhấn mạnh trong giai đoạn tới, nhất trong giai đoạn Cục Sở hữu trí tuệ đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cần xác định rõ phương hướng hoạt động, tập trung thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ về sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp…
Nhờ sự cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ, VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM đã đạt được nhiều thành tích như: Tập thể lao động xuất sắc (năm 2010, 2011, 2016); tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2016, 2021), giấy khen Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (2017 - 2022), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2019),…
Tân Nguyên