Nhà sáng chế Hoàng Thịnh từng “vô tình” nổi tiếng qua thắng kiện vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ đầu tiên tại Việt Nam về giải pháp hữu ích máy đùn gạch gắn trục cào. Ông đang là chủ sở hữu 5 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích về nông cụ cho nông dân nâng cao năng suất. Ngoài tuổi thất thập, nhà sáng chế ăn chay, nằm đất, ở nhờ chờ đợi đóng góp cho quê hương sáng chế “Thiết bị và phương pháp sấy” và giải pháp hữu ích “Lò đốt có cơ cấu để điều hành nhiệt độ của khí sấy và làm nguội vật liệu” của mình.
Tâm nguyện của ông là có chính sách đủ làm “nhịp cầu” nối dài cho nhà khoa học gặp gỡ nhà đầu tư, đưa sản phẩm vào thực tiễn làm lợi cho nông nghiệp đất nước.
Kết quả nghiên cứu dành “trả nợ ân tình” quê hương
“Trước khi nhắm mắt để lại di sản cho đời, đóng góp cho quê hương, đất nước”, nhà sáng chế Hoàng Thịnh trầm tư nói. Tháng 11 trời Huế ngày mưa tầm tã, nhà xưởng của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ thấp trũng chỉ cơn mưa đã lấp xấp nước với bùn. Bên trong, cha đẻ của máy sấy khô nông sản hình trụ thùng quay trình diễn cho chúng tôi xem sự độc đáo của phát minh đã được chứng nghiệm về sự khác biệt và mới mẻ.
Nhà sáng chế Hoàng Thịnh (SN 1951, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sinh ra lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên Huế từng theo học ban kỹ nghệ sắt Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Khoa cơ khí, Đại học Bách Khoa TP HCM) từ năm 1969.
Năm 1979, ông Thịnh cùng gia đình đi kinh tế mới lên Krông Ana. Từ anh kỹ sư cơ khí giàu ước mơ đến ông chủ một tiệm cơ khí nhỏ bên bờ sông Krông Ana cung cấp cuốc, xẻng, dao rựa và sửa chữa nông cụ nhỏ. Việc nhỏ mà làm tận tâm, tiếp xúc với bà con nông dân, ông Hoàng Thịnh vẫn không nguôi trăn trở và bắt tay vào sự nghiệp sáng chế.
Tâm sự về nghiên cứu ra đời từ tâm nguyện “trả ân tình” quê hương, nhà sáng chế cho hay: “Đầu tiên là cà phê xuất khẩu thường bị trả về vì khi sấy khô không đều, mốc, đen. Nông dân hay bị mất mùa, nhất là khi mưa lụt phơi lúa rất vất vả. Từ thời còn đi học, tôi đã muốn làm một điều gì đó để giúp nông sản của nông dân nâng cao giá trị”.
Nếu chiếc máy sấy vỉ ngang của Việt Nam sản xuất chỉ riêng Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện có khoảng 12.000 chiếc nhưng khi sấy độ khô không đồng đều, thường mất sản lượng, giảm chất lượng, máy lớn phải có đủ không gian mới đặt máy được, sấy từ 10 – 20 tấn/lần. Trong khi, máy sấy nông sản của ông Hoàng Thịnh đã nghiên cứu chế tạo máy sấy khô nông sản hình trụ thùng quay khắc phục được nhiều nhược điểm của các loại máy sấy đang dùng của nông dân.
Từ phòng nghiên cứu, năm 2022, chiếc máy sấy khô nông sản đã được đưa về thử nghiệm tại HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ để ứng dụng vào thực tế.
Vừa chỉ những tính năng của chiếc máy, nhà sáng chế hồ hởi nói về khả năng tự động hóa dễ dàng vận hành, nhỏ gọn, sấy khô đồng đều, không vỡ hạt. Máy sấy khô nông sản của ông chỉ cao 2,2m, sấy 1 - 10 tấn/lần, di chuyển được trong nhà hoặc ngoài đường. Hơn thế, máy có khả năng sấy nhiều loại như lúa giống, lúa ăn, bắp… nền nhiệt cho mỗi loại có thể điều khiển tự động theo chế độ cài đặt.
Trên thị trường có rất nhiều máy sấy, tuy nhiên một máy sấy giúp bà con giữ được năng suất ít hao hụt, giữ chất lượng vẫn thiếu. Một số ưu điểm vượt trội của máy sấy hình trụ thùng quay so với máy sấy tháp của Mỹ: Giá thành máy chỉ bằng 50% máy sấy tháp của Mỹ (sấy cùng một khối lượng); nhà xưởng để đặt máy cũng chỉ bằng 50% máy sấy tháp của Mỹ; máy sản xuất được từ 1 m³ đến 20 m³ (nhỏ lớn đều chế tạo được). Đặc biệt, máy sấy khô hình trụ thùng quay có thể sấy được lúa ướt mà máy sấy tháp của Mỹ không sấy được; Sấy lúa giống tỷ lệ nảy mầm nhiều hơn các loại máy sấy khác, kể cả phơi nắng.
Ông Phan Sỏ, Trưởng Ban Kiểm Soát HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ - cho biết: “Khi sấy, hạt gạo đều không bị sứt mẻ. Khi cho ra thành gạo thì hạt gạo nguyên, khi có thành phẩm thì không có hoặc chỉ một phần nào có hạt tấm thôi”.
Lúc đầu HTX không tin về ưu điểm của sản phẩm mới này, thành viên HTX tự vận hành máy sấy bằng vỷ ngang và máy sấy của ông Thịnh thử đi thử lại sau quá trình sấy đem cân lên so sánh sẽ thấy bên máy sấy của ông Thịnh cho ra trọng lượng cao hơn 39kg/tấn so với may vỷ ngang, chất lượng đồng đều.
Một đời kiên trì sáng tạo và bảo vệ thành quả sáng tạo
Nói đến ông Hoàng Thịnh, nhiều người còn nhớ tới Giải pháp hữu ích máy đùn gạch đoạt giải thưởng Sáng tạo Công nghệ Việt Nam – VIFOTEC năm 2005 với 7 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện đầu tiên tại Việt Nam về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2010 tại TAND tỉnh Đắk Lắk, tòa tuyên ông Hoàng Thịnh – Nguyên đơn thắng lợi lớn sau hơn chục lần hầu tòa vẫn còn trên rất nhiều trang báo và ký ức của nhiều người. Tại phiên tòa “lịch sử” này, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc bị đơn là ông Nguyễn Đình Mỹ bồi thường cho ông Hoàng Thịnh 412 triệu đồng (351 triệu đồng tiền vi phạm bản quyền và 61 triệu đồng chi phí luật sư).
Sản phẩm máy đùn gạch gắn trục cào được Cục Sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) cấp bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích cho ông Hoàng Thịnh số 319 ngày 20/12/2002. Sau đó, nhiều cơ sở cơ khí trong đó có cơ sở của ông Nguyễn Đình Mỹ cùng thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana với ông Thịnh “sòn sòn” cho ra lò nhiều sản phẩm nhái.
Đau xót khi nhìn đứa con tinh thần của mình bị nhái, giả, nhà khoa học quyết tâm thu thập chứng cứ, đòi lại công bằng. Bảy lần phiên tòa bị hoãn, cuối cùng TAND tỉnh Đắk Lắk cũng đem ra xét xử và ra phán quyết ông Thịnh thắng kiện.
Cuộc tranh tụng tốn kém thời gian và tiền bạc cho nhà sáng chế nhưng đã tạo ra một tiền lệ về mặt pháp lý trong việc tôn trọng, tôn vinh những sáng tạo và sáng chế được xác lập với ông đó chính là thắng lớn của vụ án. Sau khi kiện xong vụ máy đùn gạch, ông Thịnh bán càng đắt hàng, xuất khẩu đi các nước. “Lúc đó cơ sở chúng tôi chỉ có 20 thợ, sau khi thắng kiện với lượng đơn hàng đó phải tuyển trên 100 thợ mới làm kịp. Chúng tôi không nghĩ là thành công tới vậy”, ông Thịnh nói.
Vượt lên trở lực để tìm trợ lực cho sáng tạo
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” trong đó có nội dung tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Quan điểm này của Tổng bí thư tiếp cho nhà sáng chế thêm hi vọng đứa con tinh thần tâm nguyện đóng góp cho quê hương, đất nước của mình với tính năng vượt trội giúp khả năng tăng hàng triệu tấn nông sản mỗi năm cho Việt Nam, tăng giá trị gạo xuất khẩu được đặt đúng “vị trí”.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp không làm hồ sơ, trong khi theo quy định phải có hồ sơ Nhà nước mới xem xét hỗ trợ.Ở tuổi 73, ông Hoàng Thịnh vẫn dùng số tiền làm ra được để đưa vào nghiên cứu tiếp dẫu biết không phải bao giờ nghiên cứu cũng thành công, nên thất thoát, khó khăn. Người nhà không mấy cổ vũ cho nhà khoa học bởi không có nhiều thời gian chăm lo cho con cái, khó khăn về tài chính.
Trước đó, ngày 9/9/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được Thư ngỏ của ông Hoàng Thịnh về việc xin đóng góp phát triển kinh tế tỉnh nhà bằng các sáng chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Thanh Bình có ý kiến giao Sở Khoa học và Công nghệ liên hệ, tiếp cận, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã gửi công văn đến Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ có ý kiến về thuyết minh dự án sản xuất thử nghiệm Hệ thống sấy nông sản phù hợp với điều kiện tự nhiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng chưa đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định. Qua đó, Sở đề nghị HTX nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện công nghệ quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020.
Ngày 26/12/2023, Sở tiếp tục có công văn hướng dẫn ông Hoàng Thịnh và HTX làm hồ sơ hỗ trợ theo Nghị Quyết số 22/NQ-HĐND tỉnh.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở đã hướng dẫn cho bên các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận sáng chế, nhưng chỉ có HTX An Lỗ làm việc để đàm phán. Tuy nhiên chính sách của tỉnh chỉ hỗ trợ 30%/ dự án có nhận chuyển giao công nghệ từ sáng chế này. Nhưng Hợp tác xã muốn được hỗ trợ 50% thì chưa có quy định nên đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.
Hiện cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho chủ sở hữu sáng chế đi tìm đối tác. Tùy thuộc vào cơ chế thị trường khoa học công nghệ, bên bán bên mua cùng thỏa thuận, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần khi có dự án.
Ông Phan Sỏ cho hay, HTX sau khi mua sắm vật tư đang nợ, diện tích sản xuất không lớn nên không đủ tiền mua máy.
Hợp tác xã không đủ tiền mua, chính sách hỗ trợ nguồn lực có hạn trong khi nhà sáng chế cứ tiếc thời gian, tiếc bởi hàng triệu tấn nông sản, thu lợi thêm cho nông dân có thể đang lãng phí hàng năm. Do đó, để đưa phát minh vào sản xuất, ông Thịnh mong ước sẽ tìm được một nhà đầu tư sớm nhất.
“Khi máy này được bán trên toàn quốc, tôi sẽ trích một phần lợi nhuận cho sinh hoạt. Còn lại, tất cả tôi sẽ làm lúa giống để phát cho nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế miễn phí, ông Thinh bày tỏ. Vẫn là sống để cho đi, như lần thắng kiện máy đùn gạch gắn trục cào, ông cùng bị đơn đem số tiền được bồi thường đi tặng Hội người mù Đắk Lắk, không giữ gì cho riêng mình.
Ở tuổi ngoài 73, ông Thịnh trăn trở về sứ mệnh của mình có mặt trên đời, về lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. “Không gì làm giàu nhanh bằng sáng tạo. Người ta thường hỏi sao chưa làm được, tôi muốn nhắn nhủ với người trẻ rằng làm là được hoặc không được nhưng không làm thì không bao giờ được. Đã làm đâu mà bảo không được”, ông Thịnh tâm niệm.
Sáu tháng ăn chay nằm đất nghiên cứu, thử nghiệm, nay có thành quả rồi tôi vẫn thấy ông lặng lẽ đi về ở nhờ nhà người quen đã ba năm chờ đợi để đóng góp cho quê hương.
“Nếu nhà sáng chế gặp được người có tinh thần yêu quê hương, đất nước cùng hợp tác đầu tư hiện thực hóa sáng chế này chẳng những có lợi cho đất nước mà mình cùng có lợi. Mọi việc đã có đầy đủ, chỉ cần 300 - 500m2 nhà xưởng, tỉnh thành nào cũng được.
Tôi sẽ không lấy 10% tiền bản quyền, ai đầu tư bao nhiêu thì có thể chia theo tỉ lệ lợi nhuận. Chỉ cần đóng góp cho quê hương, làm lợi cho đất nước”, nhà sáng chế nông dân Hoàng Thịnh mong ước.
Bảo Hòa