HABECO phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm bia HANOSPECIAL, SPECIALHANOL

Admin
(SHTT) - Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “HANOI BEER”, HABECO đã gửi văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm bia có tên HANOSPECIAL, SPECIALHANOL vì có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn.

Về mặt pháp lý và thực tiễn

Trong văn bản phản đối của mình, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) khẳng định, HABECO là chủ sở hữu của nhiều nhãn hiệu, trong đó có các nhãn hiệu hình sau đây:

Cac hinh nhan hieu BIA HA NOI

 

Sau khi tham chiếu, HABECO nhận thấy dấu hiệu đối chứng tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ. Cụ thể:

Với trường hợp HANOSPECIAL:

- Dấu hiệu bị phản đối bao gồm chữ “HANOSPECIAL” được trình bày in hoa, kiểu chữ thông thường. Cụm từ này có thể được phát âm thành “HANO SPECIAL” trong đó phần chữ “HANO” tương tự gây nhầm lẫn với phần chữ “HANOI BEER” đang được bảo hộ của HABECO (với 4/5 chữ cái giống nhau ở cùng vị trí), phần chữ “SPECIAL” có nghĩa là “đặc biệt” mang ý nghĩa mô tả tính chất, giá trị của sản phẩm đăng ký.

- Cả dấu hiệu bị phản đối và các nhãn hiệu đối chứng đều được đăng ký cho các sản phẩm bia.

Với trường hợp SPECIALHANOL:

- Dấu hiệu bị phản đối bao gồm chữ “SPECIALHANOL”, được trình bày in hoa, kiểu chữ thông thường. Cụm từ này có thể được phát âm thành “SPECIAL HANOL” trong đó phần chữ “SPECIAL” có nghĩa là “đặc biệt” mang ý nghĩa mô tả tính chất, giá trị của sản phẩm đăng ký, phần chữ “HANOL” tương tự gây nhầm lẫn với phần chữ “HANOI BEER” (với 4/5 chữ cái trùng nhau ở cùng vị trí, chữ cái còn lại “I” và “L” có ấn tượng thị giác tương tự nhau vì hai chữ cái này cùng có nét gạch thẳng đứng) của các nhãn hiệu đối chứng đang được bảo hộ của HABECO.

- Cả dấu hiệu bị phản đối và các nhãn hiệu đối chứng đều được đăng ký cho các sản phẩm bia.

Từ đó, HABECO cho rằng có căn cứ để đánh giá Dấu hiệu bị phản đối tương tự gây nhầm lẫn với các Nhãn hiệu đối chứng của HABECO. Vì vậy, Dấu hiệu bị phản đối không đáp ứng yêu cầu bảo hộ đối với nhãn hiệu, căn cứ Điều 74.2ce - Luật Sở hữu trí tuệ (quy định về các trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt, quy định về đánh giá sự tương tự của hàng hoá, dịch vụ).

Về mặt danh tiếng của nhãn hiệu đối chứng

Theo HABECO, các nhãn hiệu đối chứng đang được bảo hộ của HABECO như nêu trên đều là các nhãn hiệu đã hình thành danh tiếng thông qua lịch sử lâu đời và quá trình sử dụng rộng rãi. Cụ thể như sau:

Về Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội

Tiền thân của HABEC là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là khởi đầu cho một dòng chảy nhỏ bé cùng song hành với những thăng trầm của Thanh Long – Hà Nội.

Ngày 6/5/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Từ ngày 16/6/2008, HABECO chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước sang Tổng Công ty Cổ phần. Đây là bước ngoặt quan trọng để Bia Hà Nội khẳng định vị thế của mình trong giai đoạn hội nhập.

Trải qua gần 130 năm lịch sử với hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, đến nay, HABECO đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam.

Về nhãn hiệu đối chứng

Những dòng sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu HABECO như Hanoi Beer, Bia hơi Hà Nội, Bia lon Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Hanoi Beer Premium … đã nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng về cả chất lượng và phong cách, chinh phục những người sành bia trong và ngoài nước.

Với bí quyết công nghệ - truyền thống trăm năm, cùng hệ thống thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ công nhân viên lành nghề, có trình độ, tâm huyết, các sản phẩm của HABECO đã nhận được sự mến mộ của hàng triệu người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Thương hiệu BIA HÀ NỘI / HANOI BEER ngày hôm nay được xây dựng, kết tinh từ nhiều thế hệ, là niềm tin của người tiêu dùng, niềm tự hào của thương hiệu Việt.

Về giải thưởng, danh tiếng, uy tín

Với sức vươn lên mãnh mẽ của một cây đại thụ trong ngành nước giải khát Việt Nam, các sản phẩm của HABECO được phân phối rộng rãi tới không chỉ ở thị trường trong nước mà cả tại các thị trường nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Đức, Mỹ, Australia, cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Qua 130 năm hình thành và phát triển, HABECO đã nhận được nhiều Huân chương và giải thưởng cao quý như sau:

- Huân chương Lao động hạng Ba (1960-1962), Huân chương Lao động hạng Nhì (1960 – 1962), Huân chương Chiến công hạng Ba (1997), Huân chương Lao động hạng Nhất (2000), Huân chương Độc lập hạng Ba (2006);

- Chính phủ tặng cờ luân lưu (1992, 1993, 1996, 1998, 1999, 2000, 2002, 2003); Bộ Công nghiệp tặng cờ thi đua (1998, 1999, 2000, 2002, 2003). Năm 2005, 2006 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ;

- Đảng Bộ Tổng Công ty 14 năm liên tục (1990-2003) được Thành uỷ và Đảng Bộ Khối Công nghiệp khen tặng cờ thi đua và công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh;

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua Công đoàn cơ sở vững mạnh suất sắc (1999, 2000, 2003-2006) và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2007;

- 5 năm liên tục (1998-2002), Đoàn Thanh niên Tổng Công ty được Thành Đoàn và Trung ương Đoàn tặng bằng khen; 10 năm liên tục (1988-1998), đại đội tự vệ liên tục giữ cờ thi đua luân lưu của Quân khu Thủ đô tặng đơn vị tiên tiến suất sắc, dẫn đầu phong trào dân quân, tự vệ trong toàn quân và Quân khu.

- Ngoài ra, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp.

- Tháng 6/2002, hệ thống quản lý chất lượng của Tổng Công ty được tổ chức TUV NORD của CHLB Đức chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000.

- Năm 2005, HABECO được chấp nhận áp dụng hệ thống quản lý môi trường đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14000:2004.

- Năm 2006, HABECO xây dựng và áp dựng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000: 2005

- Đạt Cúp vàng chất lượng Việt Nam năm 2002, 2005

- Topten Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2005

- Cúp Sao Vàng Đất Việt năm 2003, 2005, 2007;

- Cúp vàng Thương hiệu nổi tiếng năm 2004 tại Madrid;

- Giải thưởng Vàng Châu Âu về chất lượng và uy tín thương hiệu năm 2005 tại Bỉ;

- Giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (IAPQA) năm 2006.

Thống kê khác

Đến nay, HABECO đã đầu tư đổi mới công nghệ, mua hầu hết các thiết bị máy móc hiện đại của Tây Âu.

Vào năm 2004, dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, nâng công suất lên đến 100 triệu lít/năm đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Tiếp đó, HABECO sản xuất 422,4 triệu lít bia và tiêu thụ 413,5 triệu lít trong năm 2011, tăng 4% và 2,3% so với năm 2010.

Năm 2012, Tổng Công ty đạt sản lượng 612 triệu lít bia các loại. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm gần đây bình quân là 20%. Doanh thu bình quân mỗi năm 30%. Nộp ngân sách cho nhà nước bình quân tăng hơn 20%. Lợi nhuận tăng bình quân mỗi năm 12%.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội đến năm 2010, HABECO sẽ xây dựng thành một trong những Tổng công ty mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát, tiếp tục có những đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

Kết luận

Với những thông tin được luận chứng, HABECO cho rằng có căn cứ để coi các nhãn hiệu đối chứng “HABECO” đang được bảo hộ của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội là các nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó, Dấu hiệu bị phản đối còn được coi là tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu nối tiếng – Căn cứ Điều 74.2i - Luật Sở hữu trí tuệ.

Kiến nghị của HABECO

Dựa trên các căn cứ và lập luận được trình bày, HABECO đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ không cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu cho Nhãn hiệu bia HANOSPECIAL, SPECIALHANOL.

Điều 74 Luật SHTT năm 2005. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

(Lưu ý: Điểm c, e và i lần lượt được sửa đổi bởi Điểm a, b và c Khoản 22 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Điều 39.9 Văn bản hợp nhất Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Đánh giá sự tương tự của hàng hóa, dịch vụ

a) Hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

(i) Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo...) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc

(ii) Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng;

b) Hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ bị coi là tương tự nhau khi hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:

(i) Tương tự nhau về bản chất; hoặc

(ii) Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng; và

(iii) Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng...);

(Lưu ý: Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BKHCN năm 2017 hướng dẫn Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, hết hiệu lực: 30/11/2023).

Điều 112. Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

(Lưu ý: Điều này được sửa đổi bởi Khoản 39 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Minh Sơn