Theo Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi và trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Triệu chứng ban đầu của bệnh sởi bao gồm sốt, ho, chảy nước mũi và phát ban. Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Năm 2024, WHO cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (80% hoặc ít hơn).
Tại Việt Nam, việc biến đổi khí hậu làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc sởi có xu hướng tăng. Trước khi triển khai tiêm 1 liều vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc với tỷ lệ mắc là 137,7/100.000 dân năm 1979 và 125,7/100.000 dân năm 1983, đây là 2 đỉnh của một chu kỳ dịch sởi cách nhau khoảng 3-4 năm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi. Bộ Y tế khuyến nghị người dân:
Đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ và đúng lịch.
Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
TH