Buổi chiều đầu tháng 4/2025, thấy điểm bán bia có ghi “BIA HƠI HÀ NỘI” ở tủ lạnh ướp bia (ở xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), trong vai khách hàng vào uống bia, PV được ông A - chủ quán đón tiếp. Ông A giới thiệu sơ bộ về các loại bia được bán tại cửa hàng theo phương châm: Phục vụ tối đa khách hàng, khách cần loại bia nào là có bia đó. Tuy nhiên, theo quan sát, ở đây chủ yếu bán bia hơi và bia chai của hãng Bia Hạ Long.
Với tâm trạng hào hứng khi sắp được thưởng thức cốc bia hơi Hà Nội tại một vùng quê thoáng đãng, yên bình, PV gọi 1 cốc (loại Bia hơi Hà Nội). Ông A, cũng chừng hơn 60 tuổi, người có thâm niên bán bia, nhanh tay chắt. Nhấp ngụm đầu, PV giật mình khi bắt gặp vị bia khác thường so với Bia hơi Hà Nội, đó là: nhạt vị bia, ngọt vị đường (theo kinh nghiệm cảm nhận, loại bia này được nấu nhiều gạo nhưng ít lúa mạch). Sau một thoáng trấn tĩnh, chúng tôi tỏ ra vẻ cảm nhận từ từ, khen ngon và tò mò hỏi về sản phẩm, cũng như thể hiện nguyện vọng muốn làm đại lý mở điểm bán bia.
Ông A rất thoải mái và tự tin, dẫn chúng tôi tới tủ lạnh đầu hồi, nơi có ghi dòng chữ “HABECO. Sức bật Việt Nam. BIA HƠI HÀ NỘI”. Cửa tủ lạnh được lật lên, 04 bom bia xuất hiện - ngập trong vùng nước đá.
Nhấc bom lên khỏi mặ nước lạnh, PV giật mình khi chứng kiến cả 4 bom bia đều ghi trên thân bom dòng chữ “Bia hơi 89” chứ không phải “BIA HƠI HÀ NỘI” như chúng tôi đang nghĩ.
Xem kỹ mặt trên, chúng tôi lại sững sỡ khi nắp bom bia lại là – “HABECO” (nhựa đỏ, in nổi), chứ không phải “Bia hơi 89” – như thông tin ở thân bom. Cũng không phải loại nắp chính thức mà Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) đang sử dụng và đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ – là: “Bia Hơi Hà Nội – HABECO” (nắp nhôm, chữ đỏ - trắng trên nền vàng; ghi thành phần).


Thân bom và nắp bom bia bất thường, thể hiện dấu hiệu hàng giả Bia hơi Hà Nội.
Tiếp tục lật dưới đáy từng bom để xem chi tiết thông tin về sản phẩm, PV thấy thông số về ngày sản xuất/ngày sử dụng, mã số nơi sản xuất thể hiện, 04 bom bia này được sản xuất không gần nhau, thậm chí cách xa nhau hàng nửa tháng (không được sản xuất cùng 1 thời điểm/cùng lô/dây, không cùng 1 nơi (nhà máy) sản xuất. Bản thân chủ quán có lẽ cũng không nhận thấy và không biết về điều này, nên đã để bom bia sản xuất sau chắt ra để bán trước (?).
Tới đây, chúng tôi đã ghi nhận được đầy đủ các dấu hiệu chắc chắn về 1 sản phẩm bia giả Bia hơi Hà Nội được bán công khai, đủ căn cứ để yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản, thu giữ sản phẩm và/để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, với tâm niệm, rất có thể chủ quán cũng mua bia “ngay tình”, tức là cũng bị người khác “lừa”, chứ bản thân ông A không biết đó là sản phẩm giả bia Hà Nội PV đã nén lại cảm giác ái ngại khi uống phải “bia đểu” đang xâm lấn để tiếp tục hỏi thăm về sản phẩm.
Ông A cho biết, 04 bom bia này được Nhà phân phối (NPP) Bình Phương ở Gang Thép, Thái Nguyên cung cấp khoảng 4-5 ngày trước. Nhà phân phối này đã cung cấp bia cho ông A từ tháng 6/2024; hai bên thoả thuận miệng, không ký hợp đồng bằng văn bản. Theo ông A, bán hết bia ông lại gọi để NPP Bình Phương giao đợt mới, gọi bao nhiêu giao bấy nhiêu, khi NPP giao bia ông A sẽ trả tiền luôn.
“Dù không ký hợp đồng bằng văn bản. Nhưng tôi đã nói với NPP Bình Phương ngay từ lúc đầu, nếu bia có vấn đề gì, bị cơ quan quản lý thị trường xử lý, NPP phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông A nói.

Thoe ông A, NPP Bình Phương cung cấp tủ lạnh và bia hơi cho điểm bán của ông từ tháng 6/2024.
Khi được hỏi về việc nếu không ký hợp đồng thì sẽ khó quy trách nhiệm, NPP Bình Phương có thể sẽ thoái thác nếu bia có vấn đề, ông A tự tin khẳng định: Họ còn cung cấp tủ bảo quản cho tôi, có số điện thoại và tên của họ ở tủ, có số tài khoản giao dịch, làm sao họ trối tránh trách nhiệm được.
Niềm tin của ông A đối với sản phẩm được NPP Bình Phương cung cấp, được thể hiện một cách đầy đủ và tuyệt đối khi ông A cho biết, giá nhập 01 bom bia loại 30 lít như trong tủ lạnh là hơn 500.000 đồng, tức khoảng 17.000 đồng/lít.

Nắp bom bia hơi chính thức, đã được cấp chứng nhận bảo hộ của HABEC.
So sánh, giá này bằng với giá 01 lít bia hơi của hãng Bia Hà Nội do các công ty con cung cấp ở các tỉnh (theo hợp đồng Licensed), và giá này cao gấp 2 lần giá loại 'bia hơi cỏ' thông thường (thường được sản xuất, được phân phối ở khu vực KCN Sam Sung Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh).
Các con số này cho thấy, có một khoảng chênh lệch đến 100% (khoảng 8.000 đồng/lít) nếu bia cỏ (sản xuất ở địa phương) đội lốt Bia hơi Hà Nội để bán ở các khu vực tỉnh lẻ. Nếu tình trạng này diễn ra ở nhiều điểm, với thời gian dài và số lượng tiêu thụ lớn, thì số tiền bất chính thu về từ việc sản xuất, bán bia giả Bia hơi Hà Nội là rất lớn.
Đến đây, khi mọi hoài nghi đã quá rõ ràng, chúng tôi buộc phải chia sẻ với ông A về tất cả những dấu hiệu bất thường về loại bia hơi mà ông đang bán và khẳng định đó là sản phẩm giả Bia hơi Hà Nội. Sau khi lắng nghe, ông A không còn giữ được vẻ tự tin như ban đầu, mắt ông như trùng xuống, dần dần đón nhận các thông tin được chúng tôi chia sẻ, phân tích.
Chúng tôi vẫn vui vẻ trả tiền cho ông A theo giá của Bia hơi Hà Nội mà ông vẫn bán hàng ngày cho mọi người, và không quên động viên ông trước khi ra về với lý do: “Bác không có lỗi. Bác và người uống đều đáng thương. Tội ở người sản xuất, người phân phối”.
Chúng tôi đã ra về với nhiều băn khoăn, trong đó, giả sử ông A không biết đó là bia giả, dù ông có chăm chỉ bán từng cốc bia, thì lãi thu về cũng chẳng được là bao. Xét cho cùng, ông cũng chỉ là người làm thuê ở điểm cuối cùng cho nhóm người sản xuất, phân phối bia giả kia lợi dụng. Và nếu bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập biên bản, tịch thu sản phẩm, xử lý vi phạm, ông A không những mất trắng số hàng hoá vi phạm, mà còn bị mất uy tín với những người ở quê, những người quen. Liệu sau này ông còn bán được bia cho ai ở chốn quê vốn tin nhau mà sống này?
Còn về phía người tiêu dùng, dù đã chấp nhận chi tiền nhỉnh hơn 1 chút để mong được tận hưởng cốc bia hơi Hà Nội đích thực, trứ danh, thì xét cho cùng vẫn uống phải bia giả.
Theo tìm hiểu, ở khu vực Thái Nguyên, xuất hiện loại bia hơi có in “Bia hơi 183” ở bom, nhưng nắp lại là loại nắp nhựa đỏ, chữ “HABECO” in nổi, như trường hợp ông A vừa nêu. Loại bia này khiến nhiều người hiểu lầm đó là Bia hơi được sản xuất ở số 183 Hoàng Hoa Thám – Hà Nội – hay, nhầm sang Bia hơi Hà Nội, bởi vì đây là địa chỉ của Nhà máy bia Hà Nội.
Thiết nghĩ, hơn ai hết, người tiêu dùng phải là người tỉnh táo nhất, có trách nhiệm trước tiên và quyền năng hơn ai hết đối với sản phẩm mà họ mua, sử dụng. Họ có quyền theo dõi, giám sát, quyền được biết đầy đủ thông tin về sản phẩm họ uống vào trong người. Khi phát hiện bất thường, vi phạm, người tiêu dùng có quyền từ bỏ, hoặc/và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (Cơ quan công an xã, Công an tỉnh, cơ quan Quản lý thị trường, UBND các cấp) xác minh, lập biên bản, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái, kém chất lượng.
Nhóm PV