Thủ đô phát triển nông nghiệp xanh hiệu quả, bền vững

Admin
(SHTT) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để bảo đảm nguồn cung an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

 Hướng đến và phát triển nền nông nghiệp xanh là mục tiêu phát triển của nông nghiệp Thủ đô. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp Hà Nội đã định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như: GAP, HACCP, ISO,… quy trình quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, ứng dụng nông nghiệp thông minh, bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

ha noi nn xanh

 

Để phát triển nền nông nghiệp xanh, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết vẫn đang và sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp kết quả chương trình khuyến nông giai đoạn 2020-2025, nghiên cứu, tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình khuyến nông thành phố giai đoạn 2026-2030 phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, bền vững. Qua đó hướng tới mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế khoảng 10%-20% so với ngoài mô hình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất sản phẩm nông sản thiết yếu, phát triển liên kết chuỗi; từng bước mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị…

Dự kiến, năm 2025, trung tâm phối hợp với các đơn vị tập huấn cho khoảng 5.000 lượt cộng tác viên khuyến nông, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất, giúp người dân có thể chủ động sản xuất dựa vào kiến thức của bản thân, tăng tính kết nối; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngoài sản xuất nông nghiệp xanh, để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, được chuẩn hóa với quy trình canh tác chặt chẽ, xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, thương hiệu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, từ đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa nông sản an toàn vào các kênh phân phối hiện đại, mang lại giá trị cao cho nông dân.

PV