Sơn La: Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận 'Măng Vân Hồ'

(SHTT) - Ngày 26/11, UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, tổ chức Hội thảo góp ý vào hồ sơ bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận 'Măng Vân Hồ'.

Măng Vân Hồ từ lâu đã được biết đến là đặc sản địa phương của vùng đất Sơn La, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Vì vậy để nâng tầm giá trị sản phẩm, UBND huyện Vân Hồ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ”; đồng thời, định hướng xây dựng, phát triển nhãn hiệu để thương hiệu "Măng Vân Hồ" ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến…

Tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn đã giới thiệu 6 mẫu logo nhãn hiệu; khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ” được xác định, gồm 5 xã: Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân, Chiềng Yên và Mường Men của huyện Vân Hồ; bộ tiêu chí chứng nhận chất lượng các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; quy trình, kỹ thuật sản xuất, bảo quản, đóng gói và vận chuyển sản phẩm măng mang nhãn hiệu chứng nhận; mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Măng Vân Hồ”.

mang van ho

 

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất vào mẫu logo; các chỉ tiêu cảm quan; quy định, quy hoạch, mở rộng về vùng trồng và mã số vùng trồng; quy định các loại, nhóm sản phẩm bảo hộ; quy chế sử dụng và quản lý nhãn hiệu, hệ thống quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.

Lãnh đạo huyện Vân Hồ đã đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư thực hiện dự án tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa thiết kế logo để hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án; bảo vệ logo thương hiệu..., góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Có thể thấy, Sơn La là một trong những địa phương năng động và đi đầu trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để vươn ra thị trường quốc tế. Quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh thời gian qua đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nông sản có giá bán cao hơn so với trước khi chưa có thương hiệu. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về thói quen canh tác lạc hậu đã chuyển sang ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm hàng hóa theo thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm.

Sơn La còn có một số sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài. Chè Shan Tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu đã được bảo hộ tại châu Âu theo quy định của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 7/2020. Sản phẩm chè Shan Tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.

PV

Link nội dung: https://hanggia.net.vn/son-la-xay-dung-va-bao-ho-nhan-hieu-chung-nhan-mang-van-ho-a461504.html