Trái dừa sáp Trà Vinh chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

(SHTT) - Cục Sở hữu trí tuệ vừa qua đã ban hành Quyết định số 653 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00142 cho quả dừa sáp Trà Vinh. Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột (dừa kem) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại, có độ trong như sương sa.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có 09/93 quốc gia trồng dừa có trồng dừa sáp. Còn ở Việt Nam, dừa sáp được trồng nhiều nhất và nổi tiếng nhất là tại tỉnh Trà Vinh với quá trình canh tác và phát triển gần 100 năm.

dua sap tra vinh

 

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, dừa sáp được trồng tại Trà Vinh từ những năm 1924 ban đầu tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và từ từ lan rộng ra phạm vi nhiều huyện thị khác trên địa bàn tỉnh, trở thành loại quả đặc sản độc lạ của Trà Vinh. Bắt đầu từ năm 1960, những quả dừa sáp lần đầu tiên được thương mại tại Trà Vinh và đến đầu những năm 2000, dừa sáp Trà Vinh đã trở thành một trong những loại quả có giá đắt nhất Việt Nam với giá cao gấp 10-20 lần quả dừa thường.

Sự khác biệt của sản phẩm dừa sáp đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để giải mã sự độc lạ cũng như đề xuất giải pháp để bảo tồn và phát triển đặc sản dừa sáp của tỉnh Trà Vinh.

Năm 1984, dừa sáp Trà Vinh được Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (trực thuộc Bộ Công Thương) sưu tập, bảo tồn trong tập đoàn giống dừa tại Trung tâm Dừa Đồng Gò và được Viện Tài nguyên Di truyền thực vật Quốc tế (IPGRI) định danh, đưa vào danh mục các giống dừa bảo tồn trên thế giới.

Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2006, Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu tiếp tục nghiên cứu thành công quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi từ chính trái dừa sáp được lấy từ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Cuối năm 2008, hai tiến sĩ Yukata Hirata và Takeshi Nakishima thuộc Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) tiến hành các hoạt động nghiên cứu về đặc tính giống dừa sáp Trà Vinh.

Giữa năm 2009, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, tiến sĩ Võ Mai triển khai mô hình trồng dừa sáp theo Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho trái an toàn (VietGAP) tại Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân.

Năm 2017, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô”.

Những kết quả nghiên cứu nói trên đã đưa dừa sáp Trà Vinh tiến những bước vững vàng trên con đường khẳng định danh tiếng, xây dựng thương hiệu và phát triển kinh tế cho địa phương.

dua-sap-1-1657875395

 

Hiện nay, có 2 loại dừa sáp Trà Vinh đang được thương mại đó là dừa sáp truyền thống và dừa sáp cấy phôi.

Dừa sáp truyền thống có khối lượng nước: 85,4 g – 406,8 g; hàm lượng chất béo: 16,12 – 18,25 %; hàm lượng acid lauric: 7,26 – 9,12 %; hàm lượng đường tổng: 3,14 – 4,29 %; hàm lượng vitamin C: 6,21 – 7,35 mg/kg; hàm lượng kali: 1666 – 2384 mg/kg; hàm lượng magie: 335,0 – 452,0 mg/kg; hàm lượng canxi: 60,8 – 75,6 mg/kg.

Dừa sáp cấy phôi có khối lượng nước từ 71,1 – 355,6 g; hàm lượng chất béo: 15,86 – 18,11%; hàm lượng acid lauric: 7,89 – 9,14 %; hàm lượng đường tổng: 2,96 – 4,68 %; hàm lượng vitamin C: 6,33 – 7,53 mg/kg; hàm lượng kali: 1826,0 – 2366,0 mg/kg; hàm lượng magie: 359,0 – 464,0 mg/kg; hàm lượng canxi: 55,8 – 74,2 mg/kg.

Hiện nay, Trà Vinh là tỉnh duy nhất trồng dừa sáp truyền thống có đủ khả năng thương mại trên thị trường và là nơi có các điều kiện địa lý đặc thù tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.

Khu vực địa lý có mùa mưa kéo dài từ tháng 05 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 04 năm sau. Lượng mưa trung bình năm đạt dưới 2.000 mm. Tổng lượng mưa trong giai đoạn hình thành chất lượng quả dừa sáp (8 tháng) tại Trà Vinh thấp (700 – 1600 mm).

Độ ẩm cao trong năm trùng với thời kỳ mùa mưa đạt khoảng 86 – 90%. Độ ẩm trung bình thấp vào các tháng mùa khô từ 78 – 83%. Độ ẩm trung bình của tháng có giá trị lớn nhất và nhỏ nhất chênh lệch khoảng 10%. Trà Vinh có trị số bức xạ trên 15.106 kcal/ha/năm, là một trong những nơi có tổng số giờ nắng nhiều khoảng 2.400 giờ nắng/năm. Tổng số giờ nắng trung bình dao động từ 140 – 280 giờ, mùa khô có tổng số giờ nắng trung bình ngày từ 7 – 9 giờ trong khi mùa mưa từ 5 – 6 giờ.

Nguồn nước tưới trực tiếp cho Trà Vinh là từ sông Tiền và sông Hậu thông qua dự án thủy lợi Nam Măng Thít. Bên cạnh đó hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho nội đồng với tổng chiều dài 578 km và 1,876 km kênh cấp I, II. Các sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn Trà Vinh hợp lưu đổ ra biển chủ yếu qua 02 cửa sông chính là cửa Cổ Chiên (hay còn gọi là cửa Cung Hầu) và cửa Định An. Vào mùa khô, mặn từ biển Đông theo 02 nhánh sông Cổ Chiên và sông Hậu xâm nhập khá sớm vào địa bàn tỉnh Trà Vinh, ranh giới mặn đã lên đến hơn 4‰ và chiều dài ảnh hưởng sâu từ 60 – 70 km.

Nguồn nước tưới từ hệ thống mương líp trong vườn dừa tại Trà Vinh có hàm lượng kali hòa tan cao (≥ 4,21 mg/L), hàm lượng hàm lượng NH4+ cao (≥ 1,33 mg/L) và hàm lượng NO3-  cao (≥ 3,20 mg/L).

a1e934744e789126c869

 

Đất trồng dừa sáp tại Trà Vinh chủ yếu là đất lập líp (nguồn gốc ban đầu từ nhiều nhóm, loại đất khác nhau: đất mặn, đất phèn, đất phù sa,…). Các lớp đất mặt của đất phèn lập líp hầu như không còn bị ảnh hưởng tầng phèn dưới sâu với hàm lượng sắt trong đất ≤ 30 mg/100g. Diễn biến của xâm nhập mặn làm gia tăng độ mặn trong đất với hàm lượng muối hòa tan cao (có thể lên đến hơn 9‰).

Giống dừa sáp là giống dừa đột biến (Cocos nucifera var. Sap) từ dừa thường (Cocos nucifera) đã được công nhận theo Quyết định số 4864/QĐ-BNN-TT ngày 24/11/2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Dừa sáp truyền thống được nhân giống bằng cách sử dụng quả dừa không sáp cùng quầy với quả dừa sáp, ươm quả nảy mầm tự nhiên. Dừa sáp cấy phôi được nhân giống bằng cách sử dụng phôi từ quả dừa sáp, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy phôi trong hỗn hợp chất dinh dưỡng ngoại sinh (đường, khoáng (NH4+, NO3-, K+, Cl-, Mg2+, Ca2+, Na+, Fe2+), chất điều hòa sinh trưởng.

Khoảng cách trồng của dừa sáp cấy phôi là 8m x 8m hoặc 6m x 8m và của dừa sáp truyền thống là 6,5m x 6,5m hoặc 6,5m x 7m.

Khu vực địa lý được bồi bùn 1 lần/1 năm hoặc 1 lần/2 năm, tăng cường hàm lượng khoáng trong đất trồng dừa sáp tại Trà Vinh với hàm lượng phospho dễ tiêu cao (≥ 15,98 mg/kg), hàm lượng kali dễ tiêu cao (≥ 13,25 mg/kg), hàm lượng nitơ dễ tiêu cao (≥ 5,12 mg/kg), hàm lượng Mg2+ cao (≥ 1,63 cmol⁺/kg) và hàm lượng Ca2+ cao (≥ 7,16 cmol⁺/kg).

Dừa sáp Trà Vinh được thu hoạch khi trên bề mặt vỏ quả có vết rám nắng và quả dừa đạt độ tuổi 12 tháng (nếu thu hoạch vào mùa khô) hoặc 12,5 tháng (nếu thu hoạch vào mùa mưa).

Khu vực địa lý: Thị trấn Cầu Kè và các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Hòa Ân, Thông Hòa, Thạnh Phú thuộc huyện Cầu Kè; thị trấn Châu Thành và các xã Đa Lộc, Hòa Lợi, Hòa Minh, Hòa Thuận, Hưng Mỹ, Long Hòa, Lương Hòa, Lương Hòa A, Mỹ Chánh, Nguyệt Hóa, Phước Hảo, Song Lộc, Thanh Mỹ thuộc huyện Châu Thành; thị trấn Càng Long và các xã An Trường, An Trường A, Bình Phú, Đại Phúc, Đại Phước, Đức Mỹ, Huyền Hội, Mỹ Cẩm, Nhị Long, Nhị Long Phú, Phương Thạnh, Tân An, Tân Bình thuộc huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

PV

Link nội dung: https://hanggia.net.vn/trai-dua-sap-tra-vinh-chinh-thuc-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-a461498.html