Tại Hội nghị, các đại biểu được truyền đạt kiến thức pháp luật tổng quan về quyền tác giả, quyền liên quan; đặc biệt là những điểm mới theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, Nghị định số 17-2023/NÐ-CP của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, chú trọng nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quản lý và khai thác quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động đại diện quyền tác giả, quyền liên quan; xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan…
Các đại biểu cũng được giới thiệu những nội dung cơ bản như: Tổng quan về hệ thống pháp luật - quản lý - thực thi tại Việt Nam; quản lý, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; thực thi, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, cơ chế bảo vệ bản quyền trên không gian mạng; giám định quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là các cơ chế giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Phương Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, hội nghị hướng tới mục tiêu để Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cam kết quốc tế thực sự đi vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách đến các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý, thực thi, các chủ thể quyền, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là dịp để nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc thực thi xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước…
Hội nghị là cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ vào cuộc sống, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Qua đó, tìm ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam và Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Bà cũng cho biết thêm, những năm qua, Việt Nam đã tích cực chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan thể hiện qua việc tham gia vào nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng, hiệp định thương mại tự do và liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay hành lang pháp lý mang tính quốc tế về bản quyền của Việt Nam gần như đã đáp ứng đầy đủ các cam kết trên thế giới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong nước cũng đã được hoàn thiện cụ thể như, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Song song với đó, ngày 26/4/2023, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Minh Hằng
Link nội dung: https://hanggia.net.vn/can-tho-tuyen-truyen-boi-duong-kien-thuc-phap-luat-ve-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-a460945.html