Ngày 15/11, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Xu hướng thẩm mỹ an toàn và hiệu quả hiện nay” để lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn xoay quanh thẩm mỹ an toàn, giúp khách hàng tự tin và yên tâm hơn trên hành trình làm đẹp.
Tham gia chương trình có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Annie Nguyễn - Bệnh viện Phương Nam; bác sĩ Trần Minh Huy - Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Thẩm mỹ Medika và bác sĩ Lê Hoài Hương - Chuyên khoa Da liễu.
Nên tra cứu thông tin trước khi thẩm mỹ
Chia sẻ với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, bác sĩ Trần Minh Huy - Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Thẩm mỹ Medika – cho biết hiện nay tình trạng mạo danh bác sĩ trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần mặc áo blouse, một số cá nhân đã có thể tự nhận là bác sĩ và đưa ra những tư vấn, hứa hẹn về kết quả làm đẹp đầy hấp dẫn, khó tin. Trong khi đó, ngay cả các bác sĩ có kinh nghiệm cũng không dám đảm bảo.
Chính vì vậy khi quyết định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng nên chọn các cơ sở uy tín, có giấy phép hoạt động và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn y tế an toàn như phòng mổ đạt chuẩn, đội ngũ bác sĩ gây mê chuyên nghiệp, trực cấp cứu 24/24, cùng với các dịch vụ chăm sóc hậu phẫu chu đáo. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ cần phải có chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Huy, vai trò của bác sĩ phẫu thuật rất quan trọng. Mỗi bệnh nhân có thể trạng và cấu trúc cơ thể khác nhau, đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức về thẩm mỹ và kinh nghiệm để đưa ra định hướng phẫu thuật phù hợp cũng như xử lý các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.
“Chúng ta có thể tra cứu thông tin trên trang của Sở Y tế TP.HCM để biết người đó có được cấp phép hành nghề và có đăng ký làm việc tại cơ sở mà họ đang quảng bá không. Ngoài ra, nhiều cơ sở thẩm mỹ cố tình đặt tên giống các phòng khám hoặc bệnh viện để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Để tránh hiểu lầm, khách hàng nên yêu cầu cơ sở trình giấy phép để xác minh xem họ có được cấp phép hoạt động hay chưa.
Một phương pháp thẩm mỹ sẽ an toàn nếu được thực hiện đúng kỹ thuật và tại các cơ sở đạt chuẩn, có đầy đủ giấy phép”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Cẩn trọng với quảng cáo sai sự thật
Theo bác sĩ Lê Hoài Hương - chuyên khoa Da liễu, hiện nay phẫu thuật ít xâm lấn đang trở thành xu hướng trong lĩnh vực, giúp khách hàng có thể can thiệp sớm mà không cần đến dao kéo.
Các phương pháp thẩm mỹ không phẫu thuật, còn gọi là thẩm mỹ nội khoa, không sử dụng dao kéo hoặc giảm thiểu tối đa các tác động lên cơ thể giúp hạn chế nguy cơ biến chứng. Những liệu trình này hầu hết không gây đau đớn, không cần thời gian nghỉ dưỡng lâu dài và cho phép khách hàng sinh hoạt bình thường sau khi thực hiện. Việc tránh can thiệp trực tiếp vào da, cơ, hay xương giúp quá trình làm đẹp trở nên an toàn và dễ dàng kiểm soát hơn.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều quảng cáo về các phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn không đúng sự thật.
Ví dụ, trên thực tế hiện chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không xâm lấn. Các quảng cáo trên mạng xã hội về phương pháp nâng ngực không xâm lấn, thay vào đó là tiêm một số chất vào vùng ngực khiến khách hàng không nhận thức được nguy cơ. Vì nhiều khi chất tiêm có thể là silicon lỏng – một chất đã bị cấm từ lâu. Silicon lỏng có tính chất bám dính tổ chức, làm tăng nguy cơ gây hư hỏng ngực.
“Tiêm hoặc bơm chất lỏng vào cơ thể phải được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn”, bác sĩ Hương nói.
Bên cạnh đó, các máy móc được quảng cáo là nâng ngực không xâm lấn thực chất chỉ có tác dụng làm săn chắc cơ, không có khả năng tăng kích thước vòng 1. Khách hàngcần kiểm tra kỹ lưỡng về hiệu quả của các máy móc sử dụng trong quá trình này, đồng thời xác định xem chúng có được cấp phép hoạt động tại cơ sở hay không. Cũng cần chú ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và giấy phép hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính an toàn và chất lượng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Annie Nguyễn - Bệnh viện Phương Nam – cho rằng quảng cáo trên mạng hiện nay thường tạo ra hình ảnh phi thực tế như việc người bệnh vẫn tỉnh táo và trò chuyện trong quá trình hút mỡ, hoặc lượng mỡ hút ra có màu vàng và tuôn ra ào ào. Trên thực tế, quá trình hút mỡ bụng mất từ 45 đến 125 phút, mỡ thường nhỏ giọt chậm và có màu hồng nhạt, do lẫn với máu và dịch trong cơ thể.
Những quảng cáo như "hút mỡ không cần xâm lấn", "hút mỡ theo nhu cầu khách hàng", "thu da thừa không cần khâu", "không đau, không gây mê" thường là sai sự thật, được tạo ra nhằm thu hút khách hàng.
Trong các ca hút mỡ tại các vùng nhỏ như cằm, có thể chỉ cần gây tê. Tuy nhiên, đối với các vùng lớn hơn như bắp tay, bụng, đùi hoặc lưng, gây mê nội khí quản là bắt buộc, đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ không thể tỉnh táo để trò chuyện với bác sĩ.
Theo bác sĩ Annie Nguyễn, việc thăm khám ban đầu là bước không thể thiếu để bác sĩ có thể đánh giá tổng quát sức khỏe và nhu cầu cụ thể của từng người, từ đó đề xuất phương pháp phù hợp. Hút mỡ không phải là phương pháp giảm cân mà là để tái tạo lại các đường nét cơ thể, vì vậy không nên lạm dụng.
Người thực hiện cũng cần tuân thủ quy trình chăm sóc hậu phẫu do bác sĩ hướng dẫn, từ chế độ dinh dưỡng đến thời gian nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo cơ thể phục hồi tốt nhất.
“Việc trang bị kiến thức và thận trọng trước những quảng cáo không chính xác là rất cần thiết để đảm bảo an toàn và tránh những hậu quả không mong muốn”, bác sĩ Annie Nguyễn nhấn mạnh.
Tân Nguyên
Link nội dung: https://hanggia.net.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-xu-huong-tham-my-an-toan-va-hieu-qua-hien-nay-a460711.html