Ninh Bình đẩy mạnh hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

(SHTT) - Để phát huy tiềm năng của tài sản trí tuệ, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ quyền đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm trên địa bàn.

Theo đó, trong nhiều năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung vào mục tiêu xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thông thường cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công, làng nghề mang tính địa danh. Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt, đặt hàng nhiều danh mục dự án sở hữu trí tuệ và xây dựng thành nhãn hiệu cho các sản phẩm như: Dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao, Cơm cháy Ninh Bình, Cói mỹ nghệ Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, Thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, Nem chua Yên Mạc, Cá tràu tiến Vua, Khoai sọ Yên Quang, Đào phai Tam Điệp... Đồng thời, xây dựng các nhãn hiệu thông thường cho các chủ thể sản xuất như: Gốm, rượu, bánh đa, lộc bình, các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chế biến...

ninh binh

Mùa hoa sú nở, người dân huyện Kim Sơn hối hả vào vụ thu hoạch ong lấy mật 

Ở huyện Kim Sơn, mỗi dịp hè về, hoa sú vẹt lại nở trắng trên những triền đê và rừng ngập mặn. Đây cũng là lúc nhiều thợ ong nuôi trên cả nước đổ về đây để khai thác mật tự nhiên. Trung bình, cứ 1000 thùng ong thu hoạch được 8 – 10 tấn/vụ. Là loại mật ong tự nhiên, không hóa chất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường được dùng để chữa bệnh dạ dày, nên nhiều người tin dùng… Để nâng cao chất lượng, tạo dựng uy tín sản phẩm, huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đơn vị tư vấn hướng dẫn đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này.

NINH BINH1

 Các sản phẩm của làng gốm Gia Thủy, huyện Nho Quan

Trong khi đó, tại huyện Nho Quan, trải qua nhiều năm thăng trầm, nghề gốm làng Gia Thủy vẫn tồn tại và phát triển. Để đáp được nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như người tiêu dùng, nghệ nhân nơi đây liên tục cải tiến, mẫu mã, kích thước, màu sắc, làm ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao như: Chậu cảnh, bình cắm hoa, ấm trà… Hiện tại, các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu giúp nhận diện dễ dàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, qua đó tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho những người thợ nơi đây.

Việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP đặc trưng đã góp phần nâng cao vị thế cho các đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế. Chia sẻ về vai trò của sở hữu trí tuệ với việc bảo hộ sản phẩm OCOP, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Bình, ông Phạm Văn Trung cho biết: “Việc đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản sẽ góp phần duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ sở hữu sản phẩm”.

Song song với hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm được gắn nhãn sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 314 tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số sản phẩm tiêu biểu của nhiều tổ chức, cá nhân trong địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ và ứng dụng vào thực tiễn như: Nhân giống và sơ chế dược liệu Đinh lăng lá nhỏ tại huyện Nho Quan; Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương; cơm cháy Xích Thổ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh, Bún mọc Kim Sơn…

NINH BINH2

Tại huyện Nho Quan, UBND huyện là chủ sở hữu “Nhung hươu Nho Quan” Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện được giao nhiệm vụ quản lý 

Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nghiệm thu các dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm: Hàu giống Kim Sơn, Sen Hoa Lư; hướng dẫn và tham mưu trình UBND cho phép thực hiện 03 dự án mới cho các sản phẩm đặc sản của địa phương gồm: Xây dựng nhãn hiệu tập thể Gốm Gia Thủy, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: Nhung hươu Nho Quan, Mật ong sú vẹt Kim Sơn và tiếp tục thực hiện các dự án: xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Trà hoa vàng Cúc Phương, Bún mọc Kim Sơn, dưa Gia Viễn và Rau cần Yên Hòa

Xây dựng 03 trang Thông tin điện tử hệ thống nhận diện cho các sản phẩm Dê núi Chính Thư, Cơm cháy An Phú – Kim Sơn và sản phẩm Bánh đa Nguyễn Hảo –Yên Khánh; Tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể theo thống kê, tỉnh Ninh Bình nộp 72 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 42 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

NINH BINH3

 

Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn.

Đặc biệt, trong năm 2023, Phòng Công nghệ - Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh và các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức các bước trong việc lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP và tổ chức 07 lớp đào tạo tập huấn phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của địa phương với gần 600 người tham dự.

Việc bảo hộ nhãn hiệu là sự ghi nhận chính thức của Nhà nước về quyền sở hữu độc quyền của tổ chức, cá nhân đối với nhãn hiệu, từ đó có cơ chế tương ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu. Bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung góp phần thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Đòi hỏi các đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá dịch vụ cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu logo, bản đồ vùng, quy chế quản lý và sử dụng, bộ tiêu chí sản phẩm cho những sản phầm đủ tiêu chuẩn. Theo đó, tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo bộ, 100% sản phẩm Ocop được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. 

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vừa mang lại cho chủ thể sản xuất cơ hội bán sản phẩm ở mức cao hơn so với sản phẩm cùng loại, vừa giúp khách hàng dễ dàng nhận biết thông tin, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. 

Hữu Phúc

Link nội dung: https://hanggia.net.vn/ninh-binh-day-manh-hoat-dong-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-a459884.html