Nghi vấn giảng viên dùng sách lậu 5 năm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng không biết

Cuốn sách “Kỹ thuật lập trình CNC” dù đã trả lại mã số ISBN và không được xuất bản nhưng bà N.T.H.V - chủ biên - vẫn sử dụng làm tài liệu tham khảo từ năm 2019, trong khi đó Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng lại không hay biết gì.

Cuốn sách do bà N.T.H.V, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng làm chủ biên bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm quy định trong hoạt động xuất bản, in và phát hành. Người phản ánh cũng nêu lên câu hỏi về việc có chăng cuốn sách chưa xuất bản đã sử dụng để gian dối trong đào tạo, nâng ngạch giảng viên chính và công tác thi đua?

Trước thông tin phản ánh về cuốn sách, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng yêu cầu trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng xác minh. Đến tháng 4/2024, nhà trường mới ra Quyết định thu hồi Quyết định số 02/QĐ-ĐHSPKT của Hiệu trưởng về sử dụng sách “Kỹ thuật lập trình CNC” làm tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập.

Quan điểm “không bao che” 

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà nẵng hiện đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với bà N.T.H.V - giảng viên nhà trường, song người phản ánh cho rằng việc xử lý này chưa thỏa đáng.

Người phản ánh đề nghị cơ quan chức năng, cơ quan điều tra tiếp tục xem xét giải quyết những sai phạm của bà N.T.H.V về đạo đức nhà giáo, gian dối trong hồ sơ dự thi thăng hạng giảng viên chính, thi đua, nâng lương cùng số tiền thất thoát của Nhà nước khi sử dụng cuốn sách chưa được cấp phép.

e0756e7f8ee22abc73f3

 Nếu được xét duyệt chặt chẽ, tại sao Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng ra văn bản quyết định về việc sử dụng tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập cho cuốn sách chưa được xuất bản?

Trước ý kiến này, phóng viên liên hệ với Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng – PGS.TS Phan Cao Thọ. Theo Hiệu trưởng nhà trường: “Quan điểm của nhà trường là không bao che sai đến đâu xử lý đến đó nhưng đây là vấn đề con người nên phải cẩn trọng vì liên quan đến sự nghiệp cuộc đời của một người”.

Khi được hỏi tại sao thời gian xử lý sự việc kéo dài, PGS.TS Phan Cao Thọ cho hay: “Đơn thư không gửi trực tiếp lên trường. Nếu gửi trực tiếp tại trường thì chúng tôi xử lý nhanh chóng nhưng chúng tôi chỉ nhận được thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng”.

Để ra quyết định chọn và cho cuốn sách làm tài liệu tham khảo nhà trường có quy chế, quy trình rất chặt chẽ, có hội đồng đánh giá theo quy trình, có nghiệm thu, phản biện. 

Chặt chẽ là thế, thế nhưng kỳ lạ là, cho tới khi có quyết định thu hồi thì cuốn sách đã được nhà trường công nhận trong 5 năm qua thể hiện trong quyết định về việc sử dụng "Kỹ năng lập trình CNC làm tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong khi cuốn sách vẫn chưa xuất bản. 

PGS.TS Phan Cao Thọ cũng cho biết thêm: "Trưởng bộ môn, thầy cô giáo muốn viết sách thì đăng ký đề xuất viết, hàng năm yêu cầu giảng viên phải đăng ký viết, hợp đồng trả tiền đàng hoàng. Nói thật để viết một cuốn giáo trình không phải ai cũng viết được, như thầy từng này tuổi cũng chỉ 1-2 cuốn thôi, viết thực sự của mình chứ không phải đi copy. Giáo trình khác, sách chuyên khảo khác và tài liệu tham khảo khác".

Theo lãnh đạo nhà trường, việc xử lý sẽ phải xử lý nhưng cần thời gian, theo quy trình.

Nhà xuất bản Xây dựng không có cuốn nào tên "Kỹ thuật lập trình CNC"

Phóng viên liên hệ với số hotline của NXB Xây dựng để tìm hiểu về cuốn “Kỹ thuật lập trình CNC” theo phản ánh ghi tên chủ biên là N.T.H.V và các tác giả, Nhà xuất bản Xây dựng. Theo đường dây nóng của NXB Xây dựng thì được cho biết: “Tìm trên hệ thống sách nhà em (tức NXB Xây Dựng) không có cuốn nào tên vậy nên Nhà xuất bản không xuất bản cuốn này”.

Nhận được thông tin, chúng tôi đã trực tiếp tiếp cận bản ấn phẩm được cho là sách “Kỹ thuật lập trình CNC” lưu hành tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng. Theo quan sát của phóng viên đúng như người phản ánh thông tin là ấn phẩm lưu hành nói trên không có tem chống hàng giả quét mã Vietcheck của NXB Xây dựng nhưng trang cuối cùng vẫn đầy đủ thông tin như một cuốn sách.

Trang cuối sách đề “In 300 cuốn khổ 19x27 cm, tại Xưởng in Nhà xuất bản Xây dựng số 10 Hoa Lư-Hà Nội. Số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản 3526-2018/CXBIPH/03-164/XD ngày 03/10/2018. ISBN: 978-604-82-2536-0. Quyết định xuất bản số 180-2018/QĐ-XBXD ngày 12/10/2018. In xong nộp lưu chiểu tháng 10/2018”.

Người phản ánh cho hay đã dành thời gian thu thập nhiều bằng chứng liên quan như: Tra cứu tên cuốn sách nêu trên tại website của Nhà xuất bản Xây dựng (https://nxbxaydung.com.vn) nhưng không có kết quả, cuốn sách cũng không được dán tem chống giả”.

6e4f5c7e7ae3debd87f2

 Cuốn sách chưa được cấp phép của Nhà xuất bản Xây dựng do bà N.T.H.V làm chủ biên được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong 5 năm qua.

Qua đó, người phản ánh tiếp tục gửi đơn đến Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Nhận được đơn tố, Cục Xuất bản, in và Phát hành tiến hành xác minh và ra văn bản số 428/CXBIPH-TTPC gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng với nội dung: “Qua rà soát dữ liệu quản lý năm 2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản đối với cuốn sách “Kỹ thuật lập trình CNC”. Nhưng đến ngày 28/3/2019, Nhà xuất bản Xây dựng có Công văn số 80-2019/XBXD về việc đề nghị trả lại mã số ISBN đối với các xuất bản phẩm mà đơn vị không tổ chức xuất bản năm 2018.

Với những thông tin thu thập của người phản ánh bước đầu cho thấy Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng ban hành Quyết định 02/QĐ-ĐHSPKT ngày 3/1/2019 có nội dung cho phép sử dụng cuốn sách “Kỹ thuật lập trình CNC” của Chủ biên N.T.H.V là không phù hợp. Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng phối hợp xác minh, làm rõ việc có hay không việc xuất bản, phát hành cuốn sách “Kỹ thuật lập trình CNC”, xử lý vụ việc theo phạm vi, thẩm quyền nếu có vi phạm pháp luật”.

Người phản ánh cho biết thêm bà N.T.H.V đã dùng cuốn sách không được cấp phép nêu trên để nộp trong bộ hồ sơ thi thăng hạng lên giảng viên chính và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả thi thăng hạng năm 2019.

1daa641f4382e7dcbe93

 Trang cuối cùng của cuốn sách không phép lại được ghi đầy đủ các thông tin đơn vị xuất bản.

Cùng thời gian, TS. V tiếp tục sử dụng cuốn sách này nộp trong bộ hồ sơ xét công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở và được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2018 - 2019. Các thành tích của năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020, bà V sử dụng nộp hồ sơ để Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ” (đã được công nhận).

Người phản ánh cho rằng đã trao đổi, tìm hiểu qua các đồng tác giả cuốn sách và được biết người chủ biên “Kỹ thuật lập trình CNC” có thu các tác giả này tổng cộng 13,5 triệu đồng và cho biết trước ngày nhận được Công văn số 428/CXBIPH-TTPC của Cục Xuất bản, In và Phát hành đều không biết cuốn sách chưa xuất bản bởi số tiền nộp cho bà V là dùng cho việc hợp đồng với nhà xuất bản.

Một đồng tác giả cuốn được cho là sách này cho biết bản thân tham gia viết hai chương khi được chủ biên đề nghị hợp tác nhưng mọi hoạt động xuất bản đều do chủ biên xử lý, không biết cuốn sách chưa được Nhà xuất bản Xây dựng cấp phép xuất bản và số tiền trên hiện vẫn chưa hoàn trả lại.

Chỉ là sách "in mẫu"?

Theo đơn thư, khi giải trình về việc sử dụng và phát hành cuốn sách, bà N.T.H.V cho rằng: “Năm 2018, bà có gửi bản thảo tài liệu với tựa đề "Kỹ thuật lập trình CNC" của nhóm tác giả do bà làm chủ biên đến Nhà xuất bản Xây dựng và được đồng ý xuất bản theo giấy phép của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Trong quá trình thương thảo, bà được Nhà xuất bản Xây dựng gửi vài cuốn in mẫu, trong các bản in đó đã có đầy đủ số Quyết định xuất bản; hiện bà còn đang giữ 2 cuốn in mẫu này.

06ce3b0438999cc7c588

Cuốn sách có bìa sau vẫn ghi đầy đủ mã ISBN và giá dù mã ISBN đã trả lại cho Cục Xuất bản, In và Phát hành từ tháng 3 năm 2019 vì thuộc danh mục sách không xuất bản năm 2018 (?).

Về số lượng bản in, bà V không nắm rõ cụ thể, bà chỉ nhớ Nhà xuất bản Xây dựng có gửi cho bà và bà đã gửi một vài tác giả khác bản in mẫu này để kiểm tra, góp ý trước khi thống nhất xuất bản, ngoài ra không phát hành với mục đích thương mại. Từ trước đến nay, bà không nhận được Quyết định thu hồi mã số ISBN 978-604-82-2536-0 của Nhà xuất bản Xây dựng đối với cuốn sách “Kỹ thuật lập trình CNC”.

13bc895755caf194a8db

 Hình thức kỷ luật hiện tại của nhà trường đối với bà N.T.H.V.

Đại diện lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cũng thông tin cho phóng viên rằng cuốn sách chỉ mới dùng làm tài liệu tham khảo chưa phát hành và đã thu hồi.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi cố gắng liên hệ với chủ biên cuốn sách là bà N.T.H.V đối tượng bị phản ánh tuy nhiên bà V cho biết hiện đang “cảm thấy bị tổn thương” và “không muốn gặp ai”.

Một người làm việc lâu năm tại một nhà xuất bản uy tín chia sẻ: “Việc sử dụng một cuốn sách ghi tên nhà xuất bản nhưng chưa được cấp phép có thể được xem là sách lậu hoặc ngang như vậy dù số lượng ít. Nhà xuất bản có thể kiện nhóm tác giả và người thực hiện hành vi. Nếu đúng như phản ánh, thật đáng tiếc cho một Tiến sĩ được đào tạo ở Pháp, một giảng viên vì quá thiếu hiểu biết”.

Bà N.T.H.V (sinh năm 1983) tốt nghiệp Đại học chuyên ngành sản xuất tự động tại Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.

Hiện bà N.T.H.V có học vị Tiến sĩ từ năm 2015 chuyên ngành điện tại Viện Bách Khoa Grenoble (Pháp). Từ tháng 9/2006 đến nay, Tiến sĩ V là giảng viên khoa Sư phạm Công nghiệp, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng.

 Bảo Hòa

Link nội dung: https://hanggia.net.vn/nghi-van-giang-vien-dung-sach-lau-5-nam-dh-su-pham-ky-thuat-da-nang-khong-biet-a458837.html