Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bản địa
Tỉnh Nam Định đã tiến hành triển khai và thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Từ giữa năm 2021 đến nay, các đề tài KH&CN như “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định”, “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài móng tay ở Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững”, “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài cáy mật ở Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững” đã và đang được triển khai tích cực.
Các nghiên cứu bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen bản địa quý như khoai lang lim, gạo nếp cái hoa vàng Quần Liêu, gạo Dự Nam Mỹ, cam Hải Đường… tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương và phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị…
Chuyển đổi số
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, tỉnh xác định các mục tiêu trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc…. Bên cạnh đó hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ví dụ, một đơn vị chế biến của tỉnh đã áp dụng công nghệ trong xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao với 6 công nghệ được ứng dụng là: điều khiển tự động thiết bị cấp khí theo nồng độ ô-xy trong nước; giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm; cấp thức ăn vào trong ao nuôi tôm; công nghệ quản lý trang trại nuôi tôm; tầm soát vi khuẩn gây bệnh; và xử lý nước nuôi tôm tuần hoàn, giúp theo dõi và kiểm soát được toàn bộ quá trình xử lý, chế biến, làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là dự án mang tính đột phá, giúp nghề nuôi tôm của Nam Định phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và từng bước tạo ra môi trường giáo dục thông minh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh như . Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp (trực tuyến và trực tiếp), ứng dụng công nghệ xây dựng trường học thông minh…
Trong phát triển du lịch, ứng dụng KH&CN còn đẩy mạnh số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Trần - Chùa Tháp; khu di tích Phủ Dầy; Chùa Cổ Lễ..., góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi các địa chỉ du lịch đặc sắc của tỉnh.
Các ứng dụng phát triển nền tảng tư vấn hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, từng bước xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng; xây dựng hình ảnh, văn hóa của tỉnh trên không gian mạng… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Di tích Chùa Phổ Minh - Nam Định |
Định hướng phát triển KH&CN Nam Định
Những thành tích ấn tượng trong các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nói trên sẽ là động lực, đòn bẩy quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm đầu tư đưa nhanh các thành tựu, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống.
Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và rút kinh nghiệm, trong thời tới, Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH&CN các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh với các lĩnh vực:
Lĩnh vực công nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh.
Lĩnh vực nông nghiệp: Ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có thực hiện đề án công nghệ sinh học), nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá… một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hải Hậu - Nam Định |
Lĩnh vực tài nguyên môi trường: Nghiên cứu, ứng dụng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bản đồ số; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
Lĩnh vực giao thông: Nghiên cứu, ứng dụng triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Số hóa thông tin hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông.
Bùi Huyền
Link nội dung: https://hanggia.net.vn/nam-dinh-day-nhanh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-nho-cac-tien-bo-ve-khoa-hoc-va-cong-nghe-a446941.html